| 15-12-2023 | 16:47:41

Săn mây trên đỉnh Ky Quan San

Tây Bắc đang vào mùa săn mây với 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Trong số các thiên đường mây đỉnh nhất miền rừng Tây Bắc, đỉnh Ky Quan San (tên gọi cũ là Bạch Mộc Lương Tử) luôn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ và những người đam mê bộ môn leo núi.

Ky Quan San, ngọn núi cao 3.046 mét, đứng thứ tư Việt Nam, nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai - nổi lên như địa chỉ thu hút đông người leo núi nhất trong vài năm trở lại đây ở Việt Nam, sau khi Fanxipan có cáp treo. Và tôi đã mất trọn 12 tiếng trong hành trình đáng nhớ chinh phục đỉnh Ky Quan San.

Cả dãy núi chìm trong sương sớm.

1. "Đặc sản" của Ky Quan San là dễ gặp biển mây tuyệt đẹp ở lán nghỉ tại độ cao 2.100 mét (núi Muối) và trên đỉnh, với mức độ khó chinh phục ở mức vừa phải. Tất nhiên, không phải tay mơ nào cũng chinh phục được Ky Quan San vì độ dài đường đi và độ khó ước gấp 1,5 lần so với leo bộ Fanxipan. Không ít người ít vận động vừa vượt qua con dốc đầu tiên đã nôn khan, đau đầu gối và muốn quay trở xuống.

Với độ dài khoảng 33-36 km (đi và về), tùy theo điểm xuất phát leo bộ, đa số tour chinh phục cung Ky Quan San được các đơn vị du lịch và hướng dẫn viên người địa phương (porter) thiết kế dài 3 ngày 2 đêm (ngày 1 leo lên núi Muối, ngày 2 lên đỉnh và ngày 3 trở xuống chân núi). Một số người bận rộn, thể lực tốt có thể rút ngắn 1 ngày, còn 2 ngày 1 đêm.

Chúng tôi đều từng leo Ky Quan San, người ít 1 lần, người nhiều cũng 5-6 lần nhưng gặp nhau bởi ước hẹn phải đến đỉnh Ky Quan San này trong 1 ngày. Gọi là 1 ngày nhưng chúng tôi sẽ đi tới đỉnh và lúc nào trở về được chân núi thì thôi.

Khác với những hành trình nhiều ngày, để chinh phục Ky Quan San trong ngày, chúng tôi phải leo từ rạng sáng. Vì thế, 12h trưa, chúng tôi lên xe khách giường nằm rời bến Mỹ Đình (Hà Nội). Tới gần 18h, xe tới thị xã Sa Pa (Lào Cai). Mệt và đói nhưng nhìn trời đã tối sập, để tiết kiệm thời gian, chúng tôi chỉ kịp ghé chợ mua nhanh chút thực phẩm rồi lại nhảy xe 4 chỗ tới xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

Đường núi quanh co, nhỏ hẹp, nhiều đoạn lổn nhổn đá và tối như hũ nút nên phải mất gần 3 giờ, xe mới "bò" hết hơn 60 km, đấy là với lái xe là A Trừ, một porter (người dẫn đường địa phương) thuộc loại có "số má" ở vùng này, biết rõ từng khúc cua, ổ gà trên tuyến đường, tới mức "nhắm mắt cũng lái được".

Ô tô đi tới đoạn đường xấu không thể đi thêm được nữa thì cũng là nhà của A Chư - porter gạo cội chuyên dẫn đoàn leo Ky Quan San đã nhiều năm nay. Chúng tôi sẽ nghỉ đêm tại đây.

Gần 21h, cả nhà A Chư đã ăn tối và đi ngủ, chỉ còn anh thức đợi chúng tôi. Trời rất lạnh, cả nhóm chui ngay vào bếp ngồi. Trên bếp than gần tàn, con gà H'Mông be bé luộc xong từ bao giờ. Tôi thổi lửa bùng lên hâm nóng chút trước khi vớt con gà để A Chư ném vào nồi mấy quả su su. Cậu em gọt quả dứa xanh trong khi A Chư làm sạch miếng xách bò vừa mua ở Sa Pa để xào. Sau 20 phút, mọi thứ đã xong, đói quá, 4 anh em ngồi vào bàn chén sạch con gà và đĩa xách bò xào bốc khói... Bụng dạ hòm hòm thì đã gần 22h, mọi người hò nhau chui vào kho ngô, thóc nhà A Chư trên gác xép đi ngủ để mai xuất phát sớm.

Một ao nước nhỏ trên núi cũng có vẻ đẹp mê hồn.

Đêm ở núi lạnh buốt và pha chút hồi hộp nên cũng chỉ ngủ được tới 1h sáng, con chó H'Mông đuôi cộc dưới nhà sủa ầm ĩ kết hợp với những con mọt ngô chui vào lưng cắn làm tôi tỉnh giấc… 3h30 sáng, điện thoại báo thức réo cả mấy anh em dậy. Sớm quá! Trời cuối tháng rét ngọt, chỉ có vài ánh sao le lói tối đen như mực. Cả bản làng im phăng phắc, đâu đó vọng lại tiếng chó sủa đơn độc. A Chư đã dậy rồi, vừa cắm nồi cơm. A Phái - porter dẫn đường hôm nay, cũng vừa tới.

Lằng nhằng chuẩn bị đồ đạc, vệ sinh cá nhân xong thì cơm cũng chín. Bữa sáng nhanh lúc 4h sáng với thịt lợn bản cháy cạnh và canh rau cải mèo ngọt lịm. Anh em bảo nhau làm đôi bát để có sức mà leo.

2. 4h20 sáng, cả đoàn xuất phát từ nhà A Chư, vẫn nghĩ xe máy sẽ đi được tới tận điểm leo ở chân núi nhưng mới đi được một đoạn, xe đã phải dừng lại. A Phái than phiền: "Đang làm đường, mới đổ bê tông đêm qua nên không cho xe qua, ta đi bộ tiếp thôi". Từ chỗ bỏ lại xe máy tới điểm leo quãng 2km đi bộ lên dốc, chúng tôi chỉ gặp mấy cháu học sinh từ bản ra điểm trường ngoài xã. Mới hơn 4h sáng mùa Đông các cháu đã tự soi đèn pin đi học, sự nghiệp tìm kiếm con chữ ở vùng cao đúng là vô cùng vất vả.

4h50, 5 anh em (3 khách, 2 porter) tới được chân núi. Con dốc đầu tiên ở Ky Quan San luôn khiến bạn cảm thấy khó chịu. Có người chưa qua được nó đã bị sốc, đau quặn bụng, nôn khan và muốn… bỏ cuộc. Mấy anh em chân chưa kịp dẻo cũng mất nửa lít mồ hôi mới vượt qua được nó để bước vào cửa rừng. Đường đoạn này nhão nhoét bùn, may hai ngày gần đây đều nắng nên bùn đã cứng lại, tương đối dễ đi. Trời rạng dần, bước chân chúng tôi cũng nhanh dần đều…

Những cây số đầu rất trôi, chẳng mấy chốc, chúng tôi đã tới được con suối lớn ở độ cao 1.600m, bắt đầu vượt 2 con dốc gắt nổi tiếng ở Ky Quan San. Qua 40 phút nữa, 8h15, chúng tôi tới núi Muối ở độ cao 2.100m. Ba thanh niên du khách vừa ngủ dậy ở lán, đang mắt nhắm mắt mở thấy chúng tôi như chui từ dưới đất lên thì quá đỗi ngạc nhiên: "Các anh đi lúc nào mà giờ ở đây?".

Nghỉ ngơi "chém gió" ít phút, chúng tôi chia tay núi Muối leo thẳng lên đỉnh. Các mốc 2.400m - 2.500m - 2.600m - sống lưng khủng long - 2.800m… lần lượt rơi lại phía sau.

Trời hôm nay có nắng nhẹ nhưng trên cao gió to lại nhiều sương mù nên rất lạnh, dừng chân chỉ 2 phút là "đánh đàn mồm" ngay. Bất chợt, một thành viên trong nhóm bị chuột rút. Chúng tôi vì thế phải giảm về tốc độ leo vừa phải, nhẩn nha vừa đi vừa ngắm cảnh, chụp ảnh, quay clip… cho thư giãn.

3. Tới độ cao 2.900 mét, chúng tôi gặp một thợ rừng đeo gùi đi xuống. Lặn lội mấy ngày trong rừng sâu, anh này chỉ săn được một con gà rừng và một con sóc. Không cần kể cũng hiểu, với tốc độ săn lùng kinh khủng nhiều năm qua, rừng sâu núi thẳm giờ cũng chẳng còn mấy thú hoang dã. Thú lớn hầu như không còn hoặc phải trốn vào những góc sâu nhất trong rừng Hoàng Liên, quanh những lối mòn chỉ còn lại ít gà rừng, chim và sóc chuột và cũng đang cạn kiệt dần…

Vượt qua mốc 2.900 mét, chúng tôi rất nhanh xuyên qua rừng trúc lùn và tầng mây mù để áp sát đỉnh Ky Quan San ở độ cao 3.046 mét. Đúng 11h, chúng tôi đã chạm tay vào chóp 3.046. Như vậy, đoàn đã chạm đỉnh sau gần 6 giờ leo dốc. Trên đỉnh Ky Quan San, do không còn cây rừng che chắn, gió lớn và lạnh kinh khủng, chỉ khoảng 5-6 độ C. Điện thoại đã sạc đầy của tôi bị sập nguồn, pin về 0%. Đúng như ước nguyện "săn mây", biển mây trên đỉnh núi hôm nay dày đặc, đẹp lung linh, kỳ ảo như chốn thiên đường.

Gió rét tê tay, mấy anh em cố ngắm nghía được khoảng 30 phút thì hết chịu nổi, phải chia tay đỉnh Ky Quan San để leo xuống lán nghỉ ở 2.100 mét. Lúc này, A Phái đã nấu cơm xong. Hai bát cơm nóng với thịt gà luộc giúp chúng tôi đủ sức đi nốt chặng cuối về chân núi.

Lúc này, đôi chân đã có dấu hiệu căng mỏi nên tất cả bảo nhau thận trọng, đi chậm lại, không để xảy ra sự cố. Khi đã yếu mệt, tốt nhất nên để một mắt nhìn vào chỗ đặt chân, không nhẹ thì ngã sấp mặt, nặng thì thụt xuống vực lúc nào không hay. Tình huống khẩn nguy cuối cùng xuất hiện ở quãng 1.500 mét, khi một thành viên suýt giẫm phải con rắn hổ mang dài mét rưỡi, to bằng cổ tay nằm phơi nắng ngang lối mòn. Con rắn không gây sự, nó nhanh chóng bỏ đi nhường lối đi cho các vị khách không mời.

Hơn 16h, chúng tôi ra tới cửa rừng. Năng lượng lúc này đã cạn kiệt, mọi người ngồi bệt xuống thảm cỏ nghỉ vài phút trước khi tụt xuống con dốc cuối cùng để về tới bản. Con đường ban sáng giờ đã dài thêm hai trăm mét mới được đổ bê tông. Qua nốt hơn 2km cuốc bộ từ chân núi, tôi thấy A Phái (đã xuống từ trước) đứng trong đám người xem đổ bê tông vẫy tay gọi.

Thêm 10 phút xe máy, 16h45, tôi đứng trước cửa nhà A Chư xem đồng hồ, khép lại vừa đúng 12 giờ với gần 36km đường núi chinh phục đỉnh Ky Quan San. Thật may mắn, 3 anh em đều an toàn, không quá bết bát. Cũng may trời đẹp chứ nếu gặp mưa thì chưa biết có hoàn thành được cuộc săn mây trong ngày hay không. Hành trình cả đi và về gần 36km đường núi - có thể nói là màn tra tấn về thể lực kéo dài, có đôi chút mạo hiểm song luôn đong đầy cảm xúc qua từng bước chân và cực tốt cho sức khỏe. Nhiều người khi xuống tới chân núi đều lắc đầu, quyết không quay lại nhưng ai cũng phải công nhận đây sẽ là hành trình khó quên trong cuộc đời.

Nhiều người gọi chuyến đi là hành xác nhưng với chúng tôi, đó lại là điều thú vị. Còn gì bằng khi đi trong rừng buổi sáng mai, hít căng lồng ngực và lắng nghe tiếng chim hót, suối reo theo mỗi bước đi… Vừa về nhà, chân tay còn ê ẩm, nhịp tim còn đập nhanh mà lại nhớ núi rồi.

Và lại tự nhủ rằng: "Hãy bước đi khi đôi chân còn có thể!".

Theo TTXVN

Chia sẻ