| 08-11-2021 | 08:17:10

Sản xuất công nghiệp khởi sắc trở lại

 Sau hơn 1 tháng trở lại trạng thái bình thường, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước được phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã khởi sắc trở lại, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, nhất là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

 Kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, KCN Đồng An 2, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một

Tăng tốc phục hồi sản xuất

Năm nay, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á dự kiến đạt doanh thu 14.000 tỷ đồng, cao hơn mức 12.500 tỷ đồng của năm ngoái. Ngay sau khi thiết lập trạng thái hoạt động “bình thường mới”, công ty đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Ông Hồ Song Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, chia sẻ nhờ chủ trương cho người lao động lưu trú và làm việc tại doanh nghiệp (DN) trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, công ty bảo toàn nguồn nhân lực và duy trì sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của các đối tác. “Bước sang giai đoạn mới, công ty đã có gần 100% người lao động trở lại làm việc. Công tác phòng dịch được kiểm soát chặt chẽ, sản xuất của các nhà máy tương đối ổn định, sản lượng đạt 65.000 - 68.000 tấn/ năm, công suất đạt 100%. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu”, ông Hồ Song Ngọc cho biết.

Đến thời điểm này, hoạt động SXKD đã được khôi phục sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. DN cũng tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ, nỗ lực khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh từng bước phục hồi, phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 10-2021 ước tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Tương tự, để khôi phục lại toàn bộ các hoạt động SXKD, Công ty Tubo Vina, Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng đang cố gắng để vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 những tháng trước đó bằng việc tập trung phục hồi sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức lại nguồn nhân lực để đáp ứng kịp thời các đơn hàng cuối năm. Ông Sang Jun Lee, Tổng Giám đốc Công ty Tubo Vina, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu trong quý III-2021 của công ty bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng bắt đầu từ quý IV, công ty đã nhận được thêm rất nhiều đơn hàng lớn. Bởi vậy, ngay khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường, công ty xác định mục tiêu phải tăng tốc sản xuất, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết ngay sau khi thiết lập trạng thái hoạt động “bình thường mới”, DN trong các KCN của tỉnh đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động SXKD, bảo đảm an toàn nhằm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Đến nay, đã có gần 2.000 DN trong các KCN của tỉnh tiến hành khôi phục lại SXKD, đạt trên 96%. Số lượng lao động trở lại làm việc trong các công ty trên là 373.000 người, đạt 76,38%.

Chủ động nhiều giải pháp

Cộng đồng DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh thời gian qua đã chủ động, nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình, duy trì sản xuất và cố gắng ổn định việc làm cho người lao động. Theo Sở Công thương, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao trong tháng 10.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại của năm, Sở Công thương đang tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô SXKD. Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục phát triển mạnh các KCN, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với các ngành chủ lực của tỉnh, như: Gỗ, dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước, thay thế nhập khẩu…

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết việc khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với DN trong việc giành được các đơn hàng lớn, giữ được bạn hàng cho những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, DN cần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh việc chú trọng kiểm soát dịch bệnh. Sở Công thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất công nghiệp để hướng dẫn các khu, cụm công nghiệp và DN xây dựng kế hoạch khôi phục SXKD theo từng cấp độ dịch bệnh, nỗ lực đưa ngành công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng.

 NGỌC THANH

Chia sẻ