Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, trong khó khăn cũng xuất hiện những tín hiệu tích cực, lạc quan, đặc biệt là niềm tin của doanh nghiệp (DN) đang được củng cố trước những giải pháp, nỗ lực chống dịch và phục hồi kinh tế của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 8,23% so cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh thành trong cả nước.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách do dịch Covid-19, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng trưởng khá
Tín hiệu lạc quan
6 tháng đầu năm 2021, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn đang có những điểm sáng, duy trì mức tăng trưởng khá. Cộng đồng DN, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động, nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình, duy trì sản xuất và cố gắng ổn định việc làm cho người lao động.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,39%, đây là ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (85%). Một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ như: Dệt (tăng 5,2%); trang phục (tăng 4,26%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 26,73%); sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 5,68%); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 12,24%); sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 8,43%); thiết bị điện (tăng 6,12%); giường, tủ, bàn, ghế (tăng 26,73%)…
Theo Cục Thống kê tỉnh, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 450 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy: Có 37,75% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II-2021 tốt hơn so với quý trước; 44,59% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 17,66% số DN đánh giá khó khăn. Nhìn về phía trước, có nhiều cơ sở để lạc quan hơn khi mà số lượng DN đăng ký thành lập mới vẫn tăng. Theo báo cáo của ngành thuế tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021 có 2.614 DN mới đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký 17.041 tỷ đồng (gồm 2.591 DN có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn 16.082 tỷ đồng và 23 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 959 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2020 số DN mới đi vào hoạt động tăng 26,5%, vốn đăng ký tăng 18,1%.
Những dấu hiệu trên báo hiệu sự cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả này cho thấy niềm tin của DN vẫn đang được củng cố. Theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, bất chấp những biến động của đợt dịch lần thứ 4, các DN trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thích nghi trong điều kiện mới, cùng địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Động lực công nghiệp
6 tháng cuối năm 2021, cùng với nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng. Theo lãnh đạo tỉnh, để hoàn thành tốt nhất những mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, tích cực đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó tìm cách tháo gỡ kịp thời; nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… Trên tinh thần chủ động, quyết liệt đồng bộ, các sở, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong 6 tháng cuối năm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu của năm 2021.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp các quý còn lại của năm, Sở Công thương đang tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Sở Công thương phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục phát triển mạnh các KCN, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19… Từ đó, góp phần làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong 6 tháng còn lại của năm 2021, đóng góp tích cực vào tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết năm 2021, tỉnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao của ngành đạt kế hoạch đề ra, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng có diễn biến phức tạp, mục tiêu này là thách thức không nhỏ với ngành công thương tỉnh. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công thương sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN, giúp DN khôi phục sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
NGỌC THANH