Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong những tháng đầu năm 2023, mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bệnh dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát, giá các loại sản phẩm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động..., nhưng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vẫn chủ động trong công tác quản lý, điều hành, từ đó sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Sản phẩm nông nghiệp Bình Dương ngày càng nâng cao giá trị. Trong ảnh: Thu hoạch trái cây có múi ở Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Lập, huyện Phú Giáo
Thực hiện hiệu quả các đề án
Theo đó, ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đến nay, diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt hơn 5.700 ha, bằng 100,22% so với cùng kỳ. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 6.274,4 ha, tăng 188 ha so với cùng kỳ. Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 327,4 ha với các loại cây trồng chủ yếu, như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh và hoa tết các loại.
Song song đó, ngành cũng tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện công tác thiết lập, quản lý và bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương được cấp mã số và hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật thực hiện đăng ký xuất khẩu. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 4 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc cho 3 cơ sở và cấp 2 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc cho 1 cơ sở. Đến nay, tính chung toàn tỉnh đã được cấp 20 mã vùng trồng/13 cơ sở; 11 mã cơ sở đóng gói/8 cơ sở.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 148 trang trại, tăng 2 trại so với cùng kỳ, đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,1 triệu con, chiếm 67% tổng đàn. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 258 trang trại, tăng 2 trại, với tổng đàn gần 697.000 con, chiếm 71,5% tổng đàn. Chăn nuôi vịt thịt có 45 trang trại, tăng 15 trại, với tổng đàn 544.000 con và chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với tổng đàn 458 con.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện tốt; công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ; trên địa bàn toàn tỉnh chưa có dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả heo và dại trên chó, mèo; đồng thời thực hiện giám sát các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh.
Hướng tới nông thôn mới thông minh
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay các xã NTM trong tỉnh đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân cũng được nâng cao rõ rệt. Việc phát triển lên NTM kiểu mẫu đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều xã NTM hiện nay.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM thông minh, phát triển bền vững; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với lộ trình phát triển đô thị; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết giai đoạn mới Bình Dương xây dựng bộ tiêu chí mới dựa trên cơ sở bộ tiêu chí chung NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025 của Chính phủ. Trong đó, các tiêu chí về môi trường, thu nhập bình quân đầu người, làng thông minh… sẽ được tỉnh đặt ra với yêu cầu cao trong quá trình thực hiện; phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đồng thời giữ vững, củng cố các tiêu chí trên địa bàn các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Mặt khác, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên); tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Bạch Đằng, kết nối đồng bộ với các đô thị Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng NTM với phát triển đô thị xanh. Xây dựng làng thông minh là tạo nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như: Công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường, xanh, sạch... Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương.
THOẠI PHƯƠNG