Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nuôi dưỡng và phát huy sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD) là một trong những nhân tố quan trọng giúp phát huy năng lực trong từng cá nhân, tập thể, từ đó hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Những năm qua, tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), phong trào đẩy mạnh sáng kiến trong sản xuất đã được phát huy, những sáng kiến của công nhân lao động đều được trân quý, đóng góp chung cho thành công trong SXKD của đơn vị.
Sáng kiến cải tiến kỹ thuật máy sản xuất bao bì PE tại xưởng sản xuất bao bì PE Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa mang lại hiệu quả cao
Hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường
Những tháng cuối năm 2022, cũng là giai đoạn nước rút để các đơn vị, doanh nghiệp cùng ra sức tập trung hoàn thành nhiệm vụ SXKD của năm 2022. Cùng trong không khí ấy, toàn thể cán bộ, công nhân viên PHR cũng miệt mài đưa các sáng kiến của mình áp dụng ngay vào quá trình lao động, sản xuất hàng ngày nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.
Hàng năm, bên cạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi, phong trào phát huy các sáng kiến trong cán bộ, công nhân viên, người lao động được công ty quan tâm. Năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn trong hoạt động SXKD, nhưng PHR vẫn công nhận và khen thưởng 10 sáng kiến cải tiến, giải pháp phục vụ sản xuất tại công ty để duy trì, thúc đẩy phong trào. Sáng kiến tiêu biểu của PHR trong năm 2021 cần đề cập là “Tái sử dụng nước thải sau xử lý tại hệ thống xử lý nước thải Bố Lá - Ly Tâm sử dụng cho nhà máy chế biến Bố Lá - Ly Tâm”. Sáng kiến này góp phần tái sử dụng nước thải sau xử lý tại hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-MT/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước sau xử lý bơm về sử dụng cho mục đích sản xuất, rửa xe…
Sáng kiến nêu trên không chỉ mang lại hiệu quả kinh kế cho PHR, tiết kiệm được khoảng 21.289 m3, trị giá khoảng 110 triệu đồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế khai thác nước ngầm, góp phần vào sự phát triển bền vững của công ty. Hay như cải tiến của nhóm tác giả Nông trường Cao su Nhà Nai với thiết kế mặt cạo 2 lần cho một bảng cạo BO-1 hoặc BO-2 trên vườn cây cạo ngửa nguyên sinh. Thiết kế 2 lần sử dụng cho 5 vụ cạo, cải tiến này đã mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, giảm chi phí thiết kế 2,9 triệu đồng trên 50 phần cạo và tiết kiệm về mặt thời gian trung bình 2 giờ cho 1 phần cây.
Với cải tiến tuy đơn giản của Phòng Quản lý chất lượng nâng cấp máy Mooney Negretti, không phù hợp tiêu chuẩn thành máy đo Mooney phù hợp TCVN 6090-1:2015, nhưng sau khi cải tiến thay thế một số linh kiện, thiết bị kỹ thuật, các thành viên tham gia dự án đã nâng cấp máy đo Mooney Negretti cũ đạt yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 6090- 1:2015, đồng thời nâng cao tính tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu công việc kiểm nghiệm của Phòng Quản lý chất lượng, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư máy đo Mooney mới, lợi ích kinh tế mang lại hơn 346 triệu đồng…
Đoàn viên thanh niên công ty có sáng kiến, cải tiến, giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả trong tham gia học tập, họp, tập huấn trực tuyến dành cho các đối tượng sử dụng các hệ điều hành cũ, không vào được những nền tảng trực tuyến lớn. Nhóm tác giả kết nối trực tuyến với Đoàn cấp trên bằng hệ thống phòng họp trực tuyến tại hội trường A của công ty, sau đó chia sẻ cho các cơ sở Đoàn bằng các phần mềm nhỏ hơn như Zavi, Google meet, Zoom cloud meeting… để cùng tham gia. Sáng kiến này đã góp phần cắt giảm chi phí cho việc lắp đặt thiết bị, phong màn, in tài liệu, chi phí ăn uống, đi lại cho đoàn viên thanh niên tham dự, chủ động về địa điểm và thời gian trong tham gia học tập và các hội nghị. Qua đó, sáng kiến còn trở thành công cụ hữu ích giúp giáo dục, nâng cao ý thức cho đoàn viên thanh niên phòng, chống các tệ nạn xã hội, học tập các nội quy, quy chế của đơn vị, phòng chống các hiện tượng tiêu cực trong lao động sản xuất cũng như hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm nội quy lao động trong công ty.
Tiếp tục khuyến khích
Năm 2022, trở lại hoạt động sản xuất sau đại dịch Covid-19, PHR tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, sản xuất giỏi trong toàn công ty. Đặc biệt, PHR tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khuyến khích các sáng kiến, cải tiến, giải pháp để phục vụ có hiệu quả hoạt động SXKD để hoàn thành kế hoạch của năm 2022.
Một trong những sáng kiến, cải tiến được đánh giá cao trong năm 2022 đó là sáng kiến của Tổ sản xuất bao bì PE cải tiến máy hàn ép nhiệt bao thảm trùm PE, được công ty đầu tư vào năm 2016. Trong thời gian đầu sử dụng đúng như nguyên lý và hướng dẫn của nhà sản xuất, máy gặp phải một số hạn chế. Công nhân phải thao tác từ 2 - 3 lần cho một mối hàn gây mất thời gian và ảnh hưởng năng suất làm việc. Nhiệt độ trên đường hàn của máy không ổn định dẫn đến mối hàn khi bị chảy nhảo, khi bị bong tróc, hình thức mối hàn xấu, chất lượng kém. Xác suất bị lỗi của mối hàn nhiều, phải kiểm tra kỹ lưỡng từng mối hàn, gây mất thời gian dẫn đến giảm sản lượng sản xuất và có tình trạng bị khách hàng phản ánh mối hàng không đạt yêu cầu.
Từ thực tế trên, ông Chu Văn Trung, Tổ trưởng Tổ sản xuất bao bì PE cùng các thành viên đã nảy sinh sáng kiến, cải tiến lắp đặt thêm bộ điều khiển ổn định nhiệt trên đường hàn, với thiết kế thêm thời gian ép giữ ổn định cho mối hàn. Kết quả, cải tiến đã giúp công nhân chỉ thao tác một lần cho một mối hàn. Nhiệt độ trên đường hàn của máy luôn được duy trì ổn định, mối hàn chắc chắn, chất lượng tốt, độ kết dính ổn định, hình thức mối hàn đẹp. Đặc biệt, xác suất bị lỗi gần như không có, chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng mối hàn từ đó nâng cao năng suất làm việc.
Nổi bật trong các sáng kiến của năm 2022 là từ nhóm tác giả Lê Thanh Phương, Phó phòng Quản lý chất lượng PHR cùng các thành viên đã tham gia cải tiến “Nâng cấp máy cán mẫu HANDO không phù hợp tiêu chuẩn thành máy cán mẫu phù hợp TCVN11021:2015”. Nhóm tác giả đã dựa vào khảo sát thiết kế máy cán mẫu HANDO hiện có, nghiên cứu quyết định thay thế một số bộ phận, linh kiện, thiết bị kỹ thuật để cho máy đạt yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 11021:2015, nâng cao tính tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng yêu cầu kiểm soát các thông số kỹ thuật các thiết bị thử nghiệm, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư máy cán mẫu mới.
Được biết, chi phí đầu tư máy cán mẫu cùng tính năng máy cán mẫu HANDO sau cải tiến theo khảo sát thị trường năm 2022 trị giá khoảng 900 triệu đồng. Tuy nhiên, máy sau khi nâng cấp bản chất vẫn là máy đã qua sử dụng nên nhóm nghiên cứu dự tính khoảng 50% giá trị đầu tư máy mới, tương đương 450 triệu đồng, với chi phí thực hiện cải tiến hơn 44 triệu đồng, đã tiết kiệm cho công ty 406 triệu đồng. Việc đưa vào tái sử dụng máy cán mẫu HANDO cải tiến tại đơn vị mang lại lợi ích rất lớn về chi phí đầu tư thiết bị mới, nâng cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí tại doanh nghiệp.
MINH DUY