Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Trong kỷ nguyên số hiện nay, sự phát triển và đổi mới không chỉ dừng lại ở việc cải tiến quy trình hay tăng trưởng quy mô. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong ngành dịch vụ, nơi công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang thay đổi hoàn toàn cách thức mà các doanh nghiệp tương tác với khách hàng. Không còn là những dịch vụ đơn thuần, mà là một sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và yếu tố nhân văn, mang lại những trải nghiệm vượt trội và tối ưu hóa quy trình cung cấp dịch vụ. Đây chính là "sáng tạo số" – một yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy ngành dịch vụ Việt Nam đạt được bước đột phá mới.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo “Sáng tạo số, AI và dịch vụ”
Lực đẩy ngành dịch vụ
AI đã trở thành yếu tố then chốt giúp ngành dịch vụ cải thiện trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quy trình. Trong 5 năm qua, các ứng dụng như chatbot và trợ lý ảo, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và cá nhân hóa dịch vụ. Tại hội thảo "Sáng tạo số, AI và dịch vụ" (trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II), các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của AI trong việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ.
Ngành dịch vụ Việt Nam từ lâu đã là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, khu vực dịch vụ chiếm hơn 40% GDP của đất nước và đóng góp khoảng 35% vào tổng số lao động có việc làm.
Điều này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và vai trò quan trọng của ngành dịch vụ trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19, ngành dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng, khẳng định được sức sống bền bỉ của mình.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban chuyển đổi số và CNTT Tổng Công ty Viễn thông Mobifone trình bày tham luận tại hội thảo
Chính phủ đã đưa ra Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP.
Để đạt được mục tiêu này, nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sáng tạo số, kết hợp với việc tối ưu hóa quy trình, phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng khách hàng sẽ giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không chỉ nhanh chóng mà còn chính xác và phù hợp với từng đối tượng người dùng.
Cơ hội và thách thức
Tại hội thảo “Sáng tạo số, AI và dịch vụ”, các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc áp dụng AI vào ngành dịch vụ không chỉ đem lại những cơ hội to lớn mà còn đặt ra không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất chính là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) chỉ ra rằng, nước ta hiện có khoảng 700 người làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực AI, trong đó chỉ có 300 chuyên gia, một con số rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế, đây trở thành một thách thức chung của nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Bà Vũ Thị Hạnh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, Công ty Viettel AI trình bày tham luận “Trợ lý AI tối ưu hóa dịch vụ khách hàng cho doanh nghiệp”
Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số và am hiểu công nghệ. Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào việc xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, có khả năng làm chủ công nghệ và sẵn sàng thích nghi với những thay đổi trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, việc khai thác các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là một yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Những lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính số, và chăm sóc sức khỏe sẽ là các mũi nhọn quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế số.
Trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, AI đã thay đổi cách thức mà các doanh nghiệp phục vụ khách hàng. Các công ty như Mobifone, VNPT, Viettel đã ứng dụng công nghệ AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban chuyển đổi số của Mobifone, chia sẻ: “AI đang thay đổi sâu sắc cách mà chúng ta đi du lịch. Từ việc lên kế hoạch đến trải nghiệm thực tế, công nghệ này đã mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và tiện lợi hơn.”
Trong khi đó, ông Lê Anh Văn, Giám đốc dự án Generative AI tại VNPT, nhấn mạnh vai trò của AI trong việc phát triển nguồn lực và tối ưu hóa dịch vụ khách hàng. Các hệ thống AI như trợ lý ảo hay robot tự động đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc. Ví dụ, trong ngành y tế, AI đang hỗ trợ trong việc quản lý dữ liệu bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe từ xa và tối ưu hóa các quy trình vận hành bệnh viện.
Ngành dịch vụ Việt Nam đang có cơ hội lớn nhờ sáng tạo số và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ sẽ không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà quản lý và chuyên gia là yếu tố then chốt để ngành dịch vụ vươn lên. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa AI, cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
MINH HIẾU - MINH KHIÊM