| 12-04-2023 | 08:44:31

Sát cánh cùng kinh tế hợp tác xã trong giai đoạn mới

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), khu vực KTTT của Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đến nay chưa phát triển đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Năng lực nội tại của các hợp tác xã (HTX) còn yếu, phần lớn HTX, tổ hợp tác (THT) có quy mô nhỏ, tính liên kết nội bộ trong HTX chưa cao.

Kỳ 3: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế tập thể thường được Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Trong ảnh: Đại diện các HTX tỉnh tham quan trang trại của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp SunFood Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)

Thành tựu

KTTT tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô của HTX được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của HTX. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu…

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho rằng khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các địa phương đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh của HTX được cải thiện rõ rệt; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX được Trung ương, tỉnh quan tâm và dành nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả, như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho HTX; chính sách tiếp cận vốn và ưu đãi về tín dụng; hỗ trợ thành lập mới; về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ chế biến sản phẩm... Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho vay ưu đãi tại Quỹ Hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh (đơn vị trực thuộc Liên minh HTX tỉnh) và tại các sở, ngành, đoàn thể tỉnh quản lý (Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Khoa học công nghệ, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Đầu tư phát triển…).

Tuy vậy, lĩnh vực KTTT vẫn tồn tại một số hạn chế. Khu vực KTTT chưa thật sự hấp dẫn đối với người lao động và nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hoài nghi, chưa tin tưởng về mô hình HTX kiểu mới. Một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể còn lúng túng trong triển khai tổ chức thực hiện; chưa tin vào vai trò KTTT; thiếu quyết tâm trong triển khai thực hiện, để cho các tầng lớp nhân dân tự tìm hiểu và tự tổ chức thành lập các THT, HTX dẫn đến tình trạng các THT, HTX còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước về lĩnh vực KTTT.

Bên cạnh đó, lực lượng trực tiếp làm công tác tuyên truyền về KTTT quá mỏng; mới chỉ tập trung tuyên truyền đến cán bộ chủ chốt các đoàn thể ở cơ sở, chưa tuyên truyền thường xuyên đến số đông quần chúng nhân dân, trong khi đây là lực lượng chính tham gia vào quá trình phát triển KTTT. Năng lực nội tại ở hầu hết các HTX còn yếu kém, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, sản xuất thủ công là chính; tài sản chung của HTX chưa được xác lập hoặc công nhận, nên chưa tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng; hiệu quả sản xuất, kinh doanh - dịch vụ còn thấp, còn nhiều HTX hoạt động không hiệu quả phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng...

Một trong những nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém là do nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quyết liệt.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, khu vực KTTT Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đến nay chưa phát triển như mục tiêu nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu. Phần lớn HTX, THT có quy mô nhỏ; tính liên kết nội bộ trong HTX chưa cao…

Để lĩnh vực KTTT của tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới, Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động số 108-CTr/TU ngày 17-3-2023 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Chương trình nhằm phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Mặt khác, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Để chương trình đạt mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy yêu cầu triển khai 5 nhiệm vụ, giải pháp chính. Đó là tiếp tục nâng cao nhận thức vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX tỉnh đối với phát triển KTTT. 

Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình quán triệt, triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, đơn vị, địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 20 và chương trình của Tỉnh ủy. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến KTTT, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Trường Chính trị tỉnh, các Huyện, Thị, Thành ủy chỉ đạo các Trung tâm Chính trị bố trí, lồng ghép đưa nội dung giảng dạy về KTTT vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với đối tượng học viên.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ