| 14-03-2020 | 05:25:19

Sau câu chữ là trách nhiệm xã hội!

Những ngày qua, danh tính của những người không may nhiễm Covid-19 nhanh chóng bị cộng đồng mạng xã hội (MXH) tìm tòi và đưa lên tất tần tật trên các kênh thông tin. Đành rằng do ý thức của họ chưa cao về việc tự cách ly gây ra hậu quả đáng tiếc nhưng những gì mà các… “thánh bàn phím” xúc phạm họ và người thân là những việc đã đi quá xa.

Thông tin về bệnh nhân Covid-19 thứ 17 và sau đó là một số “người nổi tiếng” khác được báo chí chính thống và MXH khai thác triệt để. Trong khi báo chí chính thống còn đưa thông tin đúng Luật Báo chí như ghi tên tắt, che mặt, không bàn sâu về thân nhân thì MXH đã… rần rần (đúng nghĩa đen của từ này!). Mọi thông tin kèm lời phỉ báng, thóa mạ thậm chí nguyền rủa những bệnh nhân này tràn lan khiến cho nhiều người liên quan đến họ phải than rằng cuộc sống của họ trở nên lao đao, khó khăn vì những tin đồn và miệt thị như thế.

Trong Luật Khám bệnh - Chữa bệnh có những quy định rất cụ thể về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư. Đó là được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh. Vậy nhưng những thông tin về bệnh nhân số 17 và mới đây là bệnh nhân số 32 được thuê cả chuyên cơ riêng về nước chữa bệnh nhanh chóng bị “phơi ra ánh sáng” một cách không thương tiếc. Họ là con ai, làm nghề gì, thuộc hội con nhà giàu, cuộc sống riêng tư như thế nào bị lôi ra cho thiên hạ “lời ra tiếng vào”. Những hình ảnh, thông tin về các nữ bệnh nhân này bị phát tán trên MXH cùng những lời chỉ trích, thóa mạ nặng nề gây phản cảm với người đọc. Những hình ảnh từ trang cá nhân của những bệnh nhân này được đem ra chế, làm trò vui thật lố!

Một trường hợp khác ở phố Trúc Bạch, Hà Nội chỉ mới bị cách ly cũng… ngao ngán cho biết anh bị cộng đồng kỳ thị dù anh chưa hề bị bệnh. Những ngày thực hiện biện pháp cách ly, anh được chăm sóc tốt, ăn uống đầy đủ và không khí nơi đó như “một đợt nghỉ dưỡng đúng nghĩa”. Anh này chia sẻ trên báo Phụ Nữ TP.Hồ Chí Minh rằng: “Đừng nhìn chúng tôi như những vật bị cách ly… Tôi nghĩ, chỉ là một bài viết bình thường, sao quá nhiều người xin chia sẻ, quá nhiều bình luận theo kiểu thông cảm hay thương xót thậm chí còn chúc mau hết bệnh. Hai từ này thật sự nặng nề với những người trong này. Nó như kiểu là một thứ gì đó xấu xa, phải cách ly với xã hội; như là những người bệnh, phải giấu mình đi sợ xã hội “đấu tố”, khinh khi hay xa lánh. Bản thân tôi trước khi công khai bài viết cũng rất sợ những thông tin mình bị cách ly ảnh hưởng tới công việc kinh doanh bởi ngành nhà hàng, dịch vụ của mình quá nhạy cảm”….

Đem vấn đề này trao đổi cùng bà Ngô Thị Liên, Chủ tịch Hội Luật gia Bình Dương, bà Liên cho biết: “Tôi có đọc và nghe thông tin này. Trước hết, chúng ta phải khẳng định là nhà nước đã làm rất tốt, chăm lo hết sức có thể về vấn đề sức khỏe của cộng đồng, của người dân. Đây là một điều đáng mừng, giúp người dân an tâm hơn trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 này. Việc phát hiện, cách ly, chẩn đoán và điều trị bệnh trong thời gian qua là rất hiệu quả và các cấp, các ngành làm rất tốt. Tuy nhiên, có một số người không biết cố tình hay vô ý đã có những phát ngôn, bài viết trên MXH hết sức vô lý và thổi phồng sự việc không đáng có. Không thể nói viết cho đã, mặc cho hậu quả thế nào. Bạn hãy coi chừng Luật An ninh mạng và phải biết dừng lại, không nên quá đà. Thông tin trên báo chính thống theo tôi cũng cần chừng mực, điều gì nên và không nên đưa để có tính định hướng, trấn an dư luận, giúp người dân không quá lo lắng, hoang mang nhưng vẫn phải chủ động giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch tốt hơn, xây dựng nếp sống văn minh hơn”.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ