| 13-12-2014 | 09:45:18

Sáu năm cha theo con trai liệt tứ chi đến trường

Dù nắng hay mưa, suốt 6 năm qua, ông Huynh đều đặn theo con trai liệt tứ chi bẩm sinh đến trường học tập với ước mơ trở thành người có ích cho xã hội.

Suốt sáu năm qua, hàng ngày ông Huynh cõng con trai đến trường học tập hy vọng chắp cánh ước mơ cho cậu học trò nghèo. Ảnh: Trí Tín.

Chiều ngày đông se lạnh, ông Lương Bá Huynh lặng lẽ cõng con trai đến trường THCS Nghĩa Thương (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) học tập. Ở phía sau, cậu bé Lương Bá Hiệp vòng hai cánh tay co quắp ra phía trước ngực cha, hai chân buông thõng, teo tóp.

Ông Huynh nhớ như in năm 2002, con trai lọt lòng bụ bẫm, đôi mắt sáng ngời, hai vợ chồng tràn ngập hạnh phúc. Niềm vui chưa được bao lâu thì bệnh viện kết luận cháu bị liệt bẩm sinh tứ chi. "Chạy chữa khắp nơi, sức cùng lực kiệt, cuối cùng tôi đành chấp nhận số phận con trai mình bại liệt”, ông Huynh nói.

Lúc Hiệp tròn 6 tuổi, ngồi trên xe lăn trước hiên nhà, thấy những đứa trẻ cùng trang lứa đến trường, cậu bé nằng nặc đòi đi học. "Nghe con khóc bảo muốn đi học mà vợ chồng nhìn nhau ái ngại. Hai bàn tay con co quắp không cầm nắm được vật gì huống chi cầm bút, sách vở", bà Cường (mẹ của Hiệp) nhớ lại.

Cậu bé Lương Bá Hiệp ngồi học ở lớp 6D, trường THCS Nghĩa Thương. Ảnh: Trí Tín.

Những ngày dài sau đó, vợ chồng ông Huynh nhìn thấy đứa con tật nguyền cố tập cầm chiếc bút chì vẽ những nét nguệch ngoạc vào tờ giấy nháp bỏ đi của chị gái rồi dán lên trên tường nhà mà đau lòng. Vậy là người cha mạnh dạn đến trường mẫu giáo trong thôn để xin cho con đi học.

Sau khi được nhận vào lớp mẫu giáo, sau buổi học trở về nhà không ai nhắc nhở nhưng cậu bé say sưa tập viết, vẽ mà không để ý gì đến những chương trình hoạt hình từng yêu thích trước đó trên tivi.

Khi lên bậc Tiểu học, do trường cách nhà hơn 4 km nên ông Huynh không thể cõng con đi bộ được nữa, đành cải tiến chiếc xe đạp cũ kỹ, bọc lót phía sau một chiếc gối mềm để chở con. Ông Huynh kể, có bữa đi giữa đường xe bị hỏng nên trễ giờ học, thằng bé khóc hờn dỗi cả ngày. “Dù nắng hay mưa, thằng út không chịu nghỉ bữa nào. Ngay cả ngày đám cưới chị cả của nó mà tôi cũng phải chở nó đến trường học chứ không thì nó quấy khóc hoài”, ông Huynh cho hay.

Suốt 6 năm qua, năm nào cậu bé Hiệp cũng xếp loại học sinh khá. Cô giáo Lê Thị Sang, giáo viên trường THCS Nghĩa Thương chia sẻ, dẫu sinh ra trong gia đình nghèo khó, bản thân lại khuyết tật, nhưng em Hiệp đã trở thành tấm gương sáng về lòng ham học, ý chí nghị lực vượt qua số phận đáng để mọi người khâm phục.

Tạm gác mọi công việc, hàng ngày ông Huynh dành trọn thời gian đưa con ngày hai lượt đến trường và về nhà. Cậu bé càng lớn, lớp học ở trên tầng lầu, ông Huynh oằn lưng cõng con lên xuống cầu thang. Trong khi đó mẹ cậu bé ngày nào cũng thức dậy từ mờ sáng theo các xe tải rong ruổi khắp nơi bưng bê gạch, ngói thuê cho các công trình xây dựng, thu nhập bấp bênh.

Ông Huynh bảo rằng, vốn quý nhất của mỗi người là học vấn, tri thức. Cuộc đời luôn có luật bù trừ. Hai vợ chồng khổ cực đến bao nhiêu đi nữa mà cậu con trai khuyết tật học hành nên người đã là hạnh phúc.

Đằng đẵng nhiều năm qua vợ chồng ông Huynh đã không ngừng lao động nuôi ba con học hành, hai con gái đã tốt nghiệp đại học ra trường chờ xin việc làm. Giờ hai vợ chồng ông lại dồn sức chăm lo cho cậu con trai út khuyết tật vững chí đến trường. "Ước mơ của con là học thật giỏi và có đôi chân như các bạn để ba đỡ vất vả phải cõng con đến trường mỗi ngày", cậu bé Hiệp nói.

(Theo VNE)

 

Chia sẻ
Tags
cong con