Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Những ngày gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đặc biệt trong đó có nhiều khu vực ở các xã, phường thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh đến 2 lần, phải nghỉ việc trong thời gian dài, dẫn đến không có thu nhập.
Vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời chi hỗ trợ cho công nhân lao động thuộc diện F0, F1...
Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn nhanh bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ (Nghị quyết số 68).
- Thưa bà, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 được Bình Dương thực hiện như thế nào?.
- Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh về việc này, Sở LĐTB&XH đã thực hiện một cách nhanh nhất có thể, đó là tham mưu cho UBND tỉnh đề ra những nhóm nội dung, chính sách cụ thể về đối tượng được nhận hỗ trợ. Trên cơ sở đó, ngày 16-7, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Quyết định này nêu rõ những trường hợp nào đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Dựa vào đó, các huyện, thị, thành phố linh động giải quyết, sát thực tế, không bỏ sót ai.
Quyết định số 09/2021 được sở cũng như chính quyền các cấp hết sức quan tâm, bởi trên địa bàn hiện có nhiều đối tượng không có hợp đồng lao động, đó là người bán vé số, buôn bán lề đường...bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần được chăm lo kịp thời.
- Bà có thể cho biết con số cụ thể những đối tượng được hưởng trợ cấp theo Quyết định 09/2021 đến thời điểm này?
- Qua số liệu cập nhật từ các huyện, thị, thành phố cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 người lao động tự do, không có hợp đồng lao động, trong đó có khoảng 7.000 người bán vé số dạo ở các xã, phường, thị trấn. Con số chính xác sẽ tiếp tục được địa phương cập nhật, bổ sung.
- Thưa bà, đối với những lao động có hợp đồng lao động thì sao?
- Đối với những lao động có hợp đồng lao động thì dễ hơn rất nhiều. Sở sẽ cập nhật số lao động có hợp đồng qua báo cáo của Công đoàn các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn cơ sở...và nhanh chóng có được con số cụ thể để chi hỗ trợ cho công nhân viên, lao động.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 381 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, trong đó có 49 doanh nghiệp có người mắc Covid-19, khiến gần 42.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Sở sẽ tiếp tục cập nhật bổ sung và đề nghị các huyện, thị, thành phố chi hỗ trợ kịp thời.
- Vậy khi nào tiền hỗ trợ đến tay người lao động, thưa bà?
- Theo Quyết định số 09/2021 của UBND tỉnh, người lao động gặp khó khăn trong lần dịch bệnh này được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người và được nhận duy nhất 1 lần. Sở đã đề nghị các địa phương chi gấp khi có danh sách. Nhưng vì hôm nay và ngày mai rơi vào thứ bảy và chủ nhật, các địa phương khó giải ngân vì không đủ tiền mặt để chi cho bà con.
Sáng nay, sở đã liên hệ với các địa phương như TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, đề nghị nếu còn tiền mặt thì chi cho người dân thuộc diện được hưởng theo quyết định của UBND tỉnh, kịp thời, kịp lúc, không để bà con chờ đợi. Việc còn lại các địa phương phải linh động.
- Xin cảm ơn bà!
Quang Tám (thực hiện)