Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hơn 19 giờ 30 phút, vừa về đến nhà, điện thoại chị Đoàn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) có tin nhắn từ Zalo: “Bác năm Giác mua 3 hộp sữa cho trẻ 1 - 2 tuổi; cô bảy mua 2 hộp sữa cho bé hơn 1 tuổi, loại 1,5kg…”. Đó là những tin nhắn thường ngày của người dân gửi đến nhờ mua giúp các thứ đồ dùng...
“Người vận chuyển”
Từ khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống Covid-19, chị Tuyết luôn canh cánh một điều làm sao để người dân hạn chế ra ngoài nhưng vẫn có đủ đồ dùng lúc cần thiết và thực hiện đúng quy định. Đặt bản thân vào hoàn cảnh của người dân khi hết thuốc, thiếu sữa, lương thực, thực phẩm phải cần có kịp thời, chị Tuyết đã tình nguyện làm một “shipper miễn phí” cho người dân. Số điện thoại của chị được nhiều người dân trong xã truyền nhau. Cũng từ đó, điện thoại của chị thường xuyên nhận tin nhắn, cuộc gọi của người dân nhờ chị mua đồ dùm. Ban đầu, nhiều người dân còn không tin việc một lãnh đạo xã mua đồ giúp, có người thì lại ngại ngần, lưỡng lự khi nhờ chị Tuyết. Nhưng rồi, nào là thuốc, tã, sữa và nhiều thứ nữa của người dân lại hết trong thời gian giãn cách nên đã liên hệ đến chị.
Xe của chị Tuyết luôn chứa nhiều hàng hóa mua dùm cho người dân
Thời điểm chống dịch, là một lãnh đạo xã, chị Tuyết rất bận rộn với công tác phòng, chống dịch. Thế nhưng, bằng tinh thần “người cán bộ phục vụ nhân dân”, chị xác định dân cần mình, không lúc nào hơn ngoài lúc này. “Chị ơi giúp em với, nhà trọ có bé nhỏ mà hết sữa rồi. Em đi ra ngoài không được, chị mua giúp em hộp sữa cho con em uống”. Nhận tin nhắn xong, vừa kết thúc cuộc họp tại UBND xã, hơn 11 giờ, chị lên xe chạy đi mua liền để cho em bé có sữa uống. Một ngày như mọi ngày, nhiều trẻ em hết sữa uống chị đều mua giúp. Ở khu phong tỏa y tế thuộc ấp Xóm Đèn, một bé 4 tháng tuổi cũng hết sữa lúc chiều tối. Chị mua xong cũng chạy đến nơi để có sữa kịp thời cho bé. Hơn 20 ngày qua, chị làm “shipper” cho các bé, đến giờ từng loại sữa với mỗi lứa tuổi trẻ em khác nhau chị đều biết. Không chỉ có sữa mà những thứ như tã, nước suối, mì, bánh, nhang muỗi, gạo, dầu ăn, vitamin C, khăn giấy, xịt khử khuẩn, bột giặt… các thứ của người dân gửi mua luôn đầy ắp trên chiếc ô tô của chị mỗi ngày.
Hơn 16 giờ 30 phút, vừa xong việc ở UBND xã, chị Tuyết nhận được cuộc gọi: “Chị ơi, em ở khu phong tỏa ấp 1. Ngày mai bà cố 80 tuổi của em hết thuốc rồi mà mấy tiệm thuốc ở chỗ mình không có loại đó”. Nghe điện thoại xong, chị đi ngay đến tiệm mua thuốc nhưng qua nhiều tiệm màkhông có loại thuốc như trong toa của bà cụ. Từ xã Tân Mỹ, chị không ngại đường xa, chạy lên hướng TP. Thủ Dầu Một để tìm mua cho được.
Chăm lo cho người dân
Để hỗ trợ người dân mua đồ thiết yếu, chị Tuyết liên hệ các trưởng ấp thông báo người dân nào có nhu cầu mua đồ dùng cần thiết có thể gọi điện thoại để được mua giúp. “Người dân cần mua gì thì gửi mẫu, số lượng; riêng thuốc uống thì phải có toa chỉ định của bác sĩ hoặc mẫu hộp thuốc. Có được đồ dùng cấp thiết người dân mừng lắm. Khi nhờ mua, người dân cũng mua nhiều để dùng lâu dài”, chị Tuyết chia sẻ vàcho biết có những lúc rất mệt nhưng trong lòng lại cảm thấy vui vì người dân vui và có được món hàng họcần dùng.
6 giờ 30 phút một ngày, chị Tuyết rời khỏi nhà và mang theo những túi đồ vừa mua tối hôm trước đến ấp 1. Xách 2 túi đồ to xuống xe, chị Tuyết nhanh tay chuyển đồ dùng của người dân vào khu phong tỏa và trao cho trưởng ấp số hàng hóa mua dùm cho người dân trong ấp. Lúc này, cán bộ, hội viên ấp 1 đang phân loại rau củ quả của nhà hảo tâm, chị Tuyết cũng xắn tay vào làm phụ để kịp trao cho người dân trong khu cách ly y tế.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Điều hành ấp 1 nói: “Những đồ dùng cần thiết được mua kịp thời và giao đến nơi nên người dân rất vui, biết ơn nhiều lắm! Từ đó, Ban điều hành ấp và Tổ Covid cộng đồng chung tay hỗ trợ người dân và phát huy hiệu quả công tác, người dân không phải ra đường, ở nhà chấp hành chỉ thị phòng, chống dịch. Ngoài những việc công tác phòng, chống dịch ở xã thì việc gì có thể làm được cho người dân thì chúng tôi hết sức làm”.
Những ngày giãn cách xã hội và phòng, chống dịch, việc cung cấp thực phẩm bình ổn giá cho người dân ở địa phương luôn được chị Tuyết quan tâm và cùng cán bộ, nhân viên thực hiện cấp bách. Chị Tuyết phụ trách tổ hậu cần trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Là tổ trưởng tổ hậu cần, chị liên hệ các nơi cung cấp lương thực thực phẩm để lo cho người dân yên tâm ở nhà chống dịch… Những ngày qua, tổ hậu cần của xã đã tích cực làm việc, sắp xếp, phân theo đơn hàng để bảo đảm nguồn lương thực thực phẩm đến tay người dân. Hàng tấn rau củ quả được chở về trong đêm, chị Tuyết tiếp nhận và cùng với cán bộ, nhân viên xã bắt tay vào khuân vác, phân loại. Xe hàng hóa đến lúc nào là mọi người cùng nhau làm ngay lúc đó.
Gần 20 loại rau củ quả cùng với trứng và thịt đều được bán giá bình ổn, giá sỉ; mua giá nào gửi lại cho người dân theo giá đó. Trong tổ hậu cần, chị thông báo cho người dân 7 ấp biết các số điện thoại của cán bộ phụ trách và nhận đơn hàng trực tiếp bất cứ lúc nào khi người dân cần. Người dân trong xã chỉ cần gọi điện thoại là không lo thiếu lương thực thực phẩm để tiêu dùng mỗi ngày.
Chị Tuyết cho biết: “Hệ thống chính trị từ xã đến ấp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết đồng lòng cùng nhân dân đẩy lùi dịch Covid-19. Thường trực ban chỉ đạo, các thành viên ban chỉ đạo phụ trách địa bàn các ấp, Tổ Covid cộng đồng thường xuyên quan tâm thăm hỏi và cung cấp số điện thoại cho nhân dân khi cần để liên hệ kịp thời. Lương thực thực phẩm thiết yếu của người dân đã được tổ hậu cần của xã đảm đương mua hộ và các đơn vị kinh doanh trên địa bàn xã cùng các tổ Covid cộng đồng, tổ xã hội tự nguyện giao đến tận nơi cho người dân. Tổ đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 xã sẵn sàng có mặt khi nhân dân cần đến. Người dân hãy an tâm thực hiện “Ai ở đâu ở yên đấy” theo quy định và quyết tâm đồng lòng cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch Covid-19”.
K.TUYẾN