| 08-04-2024 | 08:55:24

Siết chặt quản lý hoạt động thương mại điện tử

Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi chung là gian lận thương mại) trong thực tế đã khó, trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) càng khó hơn. Đó là vấn đề cần vào cuộc một cách quyết liệt để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu của các doanh nghiệp (DN).

 Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện những vụ nhập hàng lậu số lượng lớn trong thời gian qua

 Nhiều phương thức tinh vi

Không thể phủ nhận hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số (website, sàn TMĐT, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok) hoặc bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Tuy vậy, theo phân tích của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh, hành vi vi phạm pháp luật trong TMĐT được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, tận dụng công nghệ để xóa dấu vết giao dịch, ẩn danh, các website TMĐT không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác… gây khó khăn trong việc xác minh thông tin để ngăn chặn, xử lý.

Tại Bình Dương, tỷ trọng TMĐT đạt bình quân khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023, trị giá khoảng 24.308 tỷ đồng. Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt gần 32 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, doanh số bán hàng từ TMĐT chiếm 12%. Tính đến tháng 12-2023, đã có 532 DN với 2.930 sản phẩm đăng ký tham gia sàn TMĐT của tỉnh.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho biết các thủ đoạn gian lận phát sinh trong lĩnh vực hải quan như số lượng, tính chất mặt hàng, lẩn tránh kiểm tra chuyên ngành, giá trị lô hàng... Ngoài ra trong quá trình kiểm tra, ngành còn phát hiện các hành vi khác như sai tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, không có chứng từ hợp pháp... Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết tỷ lệ các vụ việc phát hiện và xử lý hàng giả, nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng hình thức TMĐT còn thấp, chưa tương xứng với diễn biến thực tế.

Mới đây, Bình Dương đã phát hiện, triệt phá một số vụ việc liên quan đến TMĐT có quy mô lớn. Điển hình như lô sữa Ensure giả, với tang vật vi phạm tạm giữ trị giá 14,5 tỷ đồng. Trước đó phát hiện vụ thuốc tẩy giun Fugaca giả, đối tượng chủ mưu giao hàng bằng hình thức TMĐT... Các ổ, nhóm kinh doanh bất chính hoạt động quy mô lớn thông qua các kênh bán hàng TMĐT để thu lời bất chính.

Thách thức cho ngành quản lý

Bên cạnh sự phát triển tích cực của TMĐT, tình trạng gian lận thương mại trên môi trường TMĐT đang là một vấn đề phổ biến và đáng lo ngại. “Theo pháp luật hiện hành, hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua mạng TMĐT hay phương thức truyền thống đều áp dụng chính sách, thủ tục hải quan như nhau, dẫn tới vướng mắc về hồ sơ hải quan, chính sách quản lý chuyên ngành cũng như khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới”, ông Nguyễn Trần Hiệu nêu vấn đề.

Ông Trần Văn Chính cũng nêu thực tế, hiện nay một số nước lân cận xây dựng hàng loạt các kho hàng lớn sát biên giới Việt Nam nhằm phục vụ cho việc đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam thông qua các kênh TMĐT. Đây là những thách thức trong việc quản lý, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng cũng như ảnh hưởng đến nền thương mại của Việt Nam.

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế và các nguồn thu thuế. Các DN, cá nhân chưa tự giác kê khai nộp thuế, các nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng số có hành vi, cơ hội để trốn thuế, các DN kinh doanh TMĐT có hành vi gian lận thuế TMĐT như không đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế hoặc không kê khai hoặc kê khai thấp giá trị giao dịch hoặc thu nhập. Ngoài ra, ngành còn khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch. Vì vậy, khó xác định được các thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản của người kinh doanh…

Trong bối cảnh hiện nay, TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu, trong khi hành lang pháp lý đối với hoạt động xuyên biên giới của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Việc ngăn chặn gian lận thương mại trên không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp của nhiều cơ quan, ngành chức năng, DN và người tiêu dùng.

Các thành viên BCĐ 389 tỉnh cho rằng các ngành chức năng cần thường xuyên trao đổi, bàn bạc, cung cấp thông tin tài liệu có liên quan để xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, đấu tranh. Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội và các sàn TMĐT. Ðồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống các hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian.

 Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại nói chung và TMĐT nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, công tác đấu tranh phòng chống ngày càng khó khăn hơn. Các ngành cần chủ động tham mưu, kiến nghị giải pháp khắc phục các kẽ hở, chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Giải pháp quan trọng hàng đầu chính là không bao che, tránh tiêu cực, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

 THANH HỒNG

Chia sẻ