| 20-11-2012 | 00:00:00

Sôi động chợ công nhân

Trong mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN) thì chợ công nhân (CCN) theo đó xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của CN và người dân địa phương. Sản phẩm bày bán tại CCN không hề thua kém các chợ có quy mô lớn; cách thức tổ chức quản lý được chú trọng nhằm tạo tính ổn định trong kinh doanh, tiện lợi cho người mua sắm và giá cả thì được niêm yết rõ ràng. Chính vì lẽ đó mà CCN ngày càng thu hút được nhiều người đến mua sắm...

Đa dạng mặt hàng

Chiều muộn, mấy chị em trong nhóm ưa chợ búa chúng tôi rủ nhau cùng đi chợ Phú Chánh A ở thành phố mới Bình Dương. Đây là khu CCN bày bán đa dạng các mặt hàng, giá cả phù hợp với những người có mức thu nhập thấp. Chợ bắt đầu hoạt động từ 16 giờ đến 22 giờ mỗi đêm, thời điểm công nhân rảnh rỗi sau một ngày làm việc. Chỉ mới 17 giờ nhưng chợ Phú Chánh A đã nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Tại khu bán thực phẩm, các gian hàng đầy ắp thịt, rau, trứng, củ quả tươi ngon tấp nập người mua. Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ gian hàng chuyên bán rau củ, khoe: “Gian hàng của chị bán đầy đủ các loại rau củ tươi với giá rẻ nên CN, cũng như người dân chỉ cần ghé vào đây là đã mua đủ những thứ cần mua cho gia đình mà không cần phải nhọc công đi nơi khác”. Tại các khu bán quần áo, dây nịt, giày dép... hàng hóa đều được trưng bày rất bắt mắt, hấp dẫn khách mua sắm.

 Khu bán quần áo, giày dép thường được nhiều công nhân nữ ưu tiên tìm đến “săn” hàng đẹp, giá rẻ

Bước chân chưa tới khu ẩm thực, nhưng chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm của những món ăn. Sức quyến rũ của bún riêu, hủ tiếu, phở và các món nướng khiến mấy chị em trong nhóm ưa chợ búa chúng tôi càng bước nhanh hơn... Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ một gian hàng ẩm thực, cho biết: “Cứ sau giờ tan ca là có rất đông CN ghé vào đây để ăn tối. Có CN làm ca đêm không kịp nấu nướng ghé vào ăn xong là đến luôn chỗ làm; cũng có những CN sau khi tan ca ghé ăn xong về nghỉ để không phải nấu. Gian hàng của em bán đến 22 giờ đêm, giá cả lại rẻ, nên thu hút được rất nhiều khách hàng là CN xung quanh đây”.

Bên cạnh các ki-ốt, nhiều gian hàng di động bán quần áo, dây cột tóc, đĩa CD… cũng tham gia bày hàng phục phụ CN. Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, người bán chỉ cần trải tấm bạt, rồi trưng hàng lên hay để ngay trên xe là đã có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của CN. Chị Lê Thị Hoài, chủ một gian hàng bán quần áo đi động, cho biết: “Để có được một ki-ốt tại đây phải bỏ ra mấy chục triệu đồng, vợ chồng tôi không có khả năng mua ki-ốt nên trải bạt trên vỉa hè chợ để bán. Dành dụm một thời gian có tiền chúng tôi sẽ mua sạp để bán chứ bán di động như thế này mưa gió phải chạy, rất cực!”.

Giá cả bình dân

Đối tượng mua sắm chủ yếu là CN và người lao động nghèo nên giá cả hàng hóa ở chợ Phú Chánh A rất phải chăng. Chị Lê Thị Hòa, chủ ki-ốt bán quần áo, cho biết: “Ở đây người mua chủ yếu là CN nên khi chọn đồ chúng tôi chọn loại có giá thấp hơn so với đồ bán trong shop. Quần áo tại shop có giá thông thường là 50.000 đồng/chiếc, cao nhất cũng chỉ hơn 100.000 đồng/chiếc. Có ki-ốt còn chọn bán loại quần áo giá rẻ chỉ 30.000 - 35.000 đồng/chiếc. Do đó, khách hàng đến đây mua quần áo có thể dễ dàng lựa chọn phù hợp với tiền túi của mình”.

Chị Trần Thị Hiền, quê An Giang, CN Công ty Saigons Tec, cho biết: “Tôi làm CN nên lương tháng không nhiều, lại xa nhà nên phải chi phí nhiều thứ từ nhà trọ, điện, nước, ăn uống… nên khoản tiền dành dụm để mua sắm rất ít. Tuy nhiên, giá cả tại CCN như ở đây rất phải chăng, phù hợp với điều kiện chi tiêu của tôi, nên tôi hay vào đây mua sắm”. Nhìn vào giỏ đồ của chị Hiền, tôi thấy ngoài thực phẩm chị còn chọn mua cho mình nhiều thứ khác, nhưng chị Hiền cho biết tổng chi chưa đến 100.000 đồng. Chị bạn đi chợ cùng tôi buột miệng: “Phải thừa nhận hàng hóa ở CCN rẻ thật! Rau củ thì vừa tươi vừa rẻ hơn ở chợ Thủ Dầu Một”.

Sức tiêu thụ mạnh

Hàng hóa phong phú, giá rẻ, đối tượng mua sắm là đông đảo CN nên chợ Phú Chánh A có sức tiêu thụ mạnh. Ghé vào thưởng thức ly chè mát lạnh tại quán chè của anh Ma Văn Nam, sau một hồi trò chuyện anh Nam kể: “Cách đây khoảng 4 năm, khi chợ này mới mở ra, tôi là một trong những người đầu tiên tham gia bán hàng. Chợ mới nên người bán người mua đều ít, có hôm không bán được đồng nào, nản quá định bỏ nghề!”. Vậy mà chỉ sau 4 năm, quán chè anh Nam đã khác. Hiện vợ chồng anh Nam bán không ngơi tay, không có cả thời gian để ăn cơm tối. Người mua sắm đến chợ nhiều thì người bán cũng tăng nhưng mỗi ngày anh chị cũng lãi được từ 400.000 - 500.000 đồng.

Chỉ tay sang các gian hàng bán gỏi cuốn, cháo vịt, bún phở… anh Nam nói: “Mấy chị thấy đó, gần cả chục gian hàng ăn uống được bày ra nhưng không phải vì thế mà ế hàng. Trăm người bán có vạn người mua, mỗi ngày trung bình một gian hàng phở bán được ít nhất là chục kg bánh phở; còn các gian hàng cháo vịt, gỏi vịt thì cũng hết chục con”. Nghe anh nói, chúng tôi cũng thầm mừng cho CN và cả người bán hàng. Mừng vì CN có nơi mua sắm, ăn uống giá rẻ; còn người bán thì tuy mức lãi có ít hơn ở các chợ sầm uất, nhưng cũng ổn định được cuộc sống gia đình. Nghĩ đến điều đó, chúng tôi cảm thấy ly chè quán anh Nam ngon ngọt không thua mấy ly chè của các quán sang trên thành phố!

Chợ CN càng về khuya càng đông, càng nhộn nhịp. Trong số những người đi chợ, có người đến để mua sắm, có người đến để ăn uống và có người đến chỉ vì một lý do đơn giản là để thư giãn, để được hòa mình vào không khí sôi động của một phiên chợ để cảm thấy đỡ cô đơn hay nhớ nhà. Chính vì lý do đó mà ngoài chức năng mua bán, CCN Phú Chánh A còn là “sân chơi” của những CN xa quê. Bình Dương hiện có nhiều KCN, thu hút nhiều CN từ các tỉnh, thành khác trong nước đến làm việc, những khu chợ như thế này được mở ra là cần thiết. CCN không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm hay vui chơi của CN, mà còn góp phần quan trọng vào việc dẹp bỏ những khu chợ tự phát gây mất vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đưa hoạt động mua bán vào một trật tự mới theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.

Chợ búa là nơi thường phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, đặc biệt là tình trạng bảo kê, đầu gấu… Để các CCN trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng định hướng, cùng với chủ đầu tư xây dựng chợ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần thường xuyên có sự phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh để ổn định tình hình an ninh, trật tự. Cùng với đó, các chủ đầu tư xây dựng chợ cần có biện pháp quản lý tốt các ki-ốt để tránh tình trạng tự ý nâng giá sang nhượng ki-ốt quá cao, để rồi người muốn mua bán thật sự thì không có chỗ mua bán, người không có nhu cầu mua bán nhưng có tiền cố tình chiếm giữ ki-ốt để sang nhượng với giá cao...

PHƯƠNG AN

Chia sẻ