Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Khó tả hết cảm xúc trào dâng trong lòng mọi người khi lần đầu tiên đặt chân lên đảo Song Tử Tây. Xã đảo tiền tiêu phía bắc của quần đảo Trường Sa xanh như hòn ngọc lung linh giữa trùng khơi sóng gió, kiêu hãnh ngàn năm giữ chủ quyền của Tổ quốc.
Xã đảo Song Tử Tây nhìn ra biển trùng khơi. Ảnh: K.VINH
Xã đảo anh hùng
Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mật lệnh chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Nhưng ít ai biết được rằng, trước đó 3 ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã tiên liệu trước tình hình và gửi một mật lệnh quan trọng chỉ đạo “Chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển”, giải phóng quần đảo Trường Sa.
Người dân xã đảo vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi đảo tiền tiêu Song Tử Tây, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Ảnh: K.VINH
Tháng 3-1975, khi cuộc Tổng tiến công mùa xuân giải phóng miền Nam liên tiếp giành thắng lợi, với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương vẫn theo dõi sát sao tình hình biển Đông. Nhận thấy một số nước trong khu vực có ý đồ nhân lúc chính quyền Việt Nam cộng hòa lao đao sẽ đổ bộ lên chiếm đảo, 17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mật lệnh số 990B/ TK gửi thẳng cho lãnh đạo Quân khu 5 và Quân chủng Hải quân với nội dung: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Thực hiện mật lệnh của Đại tướng, ngày 11-4-1975, một phân đội của Đoàn 126 Đặc công Hải quân được tăng cường lực lượng của Tiểu đoàn Đặc công Quân khu 5 do trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 chỉ huy hành quân ra giải phóng Trường Sa. Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, sáng ngày 14-4, bộ đội ta đổ bộ lên đảo Song Tử Tây xáp lá cà với địch. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, chỉ sau 45 phút nổ súng ác liệt, bộ đội ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây, mở màn cho chiến dịch giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ...
Chúng tôi đến đảo Song Tử Tây một ngày nắng rất đẹp, cái chếnh choáng của những cơn say sóng mệt nhoài nhanh chóng nhường chỗ cho sự xúc động trào dâng trong lòng mỗi người trong đoàn công tác. Từng mái nhà, ngọn hải đăng đến những mái chùa, cây xanh… đều mang dáng dấp kiêu hùng nơi đầu sóng, ngọn gió. Ở Song Tử Tây có rất nhiều cái nhất so với các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, là đảo có ngọn hải đăng cao nhất, xây dựng lâu đời nhất, là đảo duy nhất nuôi được bò…
Thấm thoát mà đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây, hàng ngàn lượt tàu chở người ra đảo, giữ đảo, xây dựng đảo. Nhiều thế hệ người ra đảo, thấm mặn mồ hôi, thậm chí đã có máu đổ xuống đảo xanh Song Tử Tây để bảo vệ, xây dựng đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước. Ngày nay, Song Tử Tây là đảo tiền tiêu quan trọng bậc nhất của Hải quân Việt Nam, sẵn sàng ngăn chặn bất cứ hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Tổ quốc của các nước khác. Năm 1999, xã đảo Song Tử Tây vinh dự được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đảo ngọc giữa ngàn khơi
Ông TRẦN VẠN PHƯỚC, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây: Có thể nói, tình quân dân trên đảo gắn kết keo sơn như ở chung một nhà. Những năm qua, dù sống và làm việc trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn nhưng quân dân trên đảo luôn giữ vững tinh thần trước đầu sóng ngọn gió, kiên định lập trường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trước mọi thách thức. |
---|
Đại tá Ngô Duy Đỗ, nguyên là Đảo trưởng đảo Song Tử Tây trong nhiều năm liền tự hào cho biết, đảo Song Tử Tây là một trong những đảo đẹp nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Kể từ ngày được giải phóng, đảo liên tục được tôn tạo, xây dựng nhiều công trình quan trọng. Quân dân trên đảo ngày đêm bám đảo, giữ đảo bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm chủ quyền của quân thù.
Đảo Song Tử Tây có hình bầu dục theo hướng đông bắc - tây nam, dài khoảng 630m, rộng 270m; khi thủy triều xuống thấp nhất mặt đảo cao 4 - 6m so với mặt nước biển. Diện tích tự nhiên của đảo khoảng 12 ha, là đảo lớn thứ 6 của quần đảo Trường Sa, lớn thứ 2 trong số các đảo do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa Lớn. UBND xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đặt tại đảo.
Hai ngày ngắn ngủi ở lại đảo Song Tử Tây, chúng tôi cảm nhận phần nào được sự tươi đẹp của đảo xanh giữa trùng khơi. Trên đảo có khá nhiều cây xanh, lại có cả cỏ và rau xanh tăng gia sản xuất của lính đảo. So với các đảo khác ở quần đảo Trường Sa, Song Tử Tây có lượng nước ngầm khá lớn, đào sâu dưới đất khoảng 2m đã có nước ngọt để nấu nướng, sinh hoạt. Chính vì thế, đảo có thể nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn hơn so với các đảo khác.
Tháng 4-2009, đánh dấu một bước phát triển đột phá của Song Tử Tây khi âu tàu sau nhiều năm cải tạo, xây dựng đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, là nơi cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm, dịch vụ y tế và cứu hộ, cứu nạn, sửa chữa tàu thuyền… Âu tàu Song Tử Tây cũng là nơi tránh, trú bão an toàn cho tàu ngư dân khai thác thủy sản xa bờ.
Những ngày lưu lại ở Song Tử Tây, chúng tôi bồi hồi xúc động khi chứng kiến những cảnh sinh hoạt, đánh bắt cá, tăng gia sản xuất rất đỗi bình dị mà thiêng liêng của người dân trên đảo. Đảo Song Tử Tây nằm giữa trùng khơi có UBND xã khá khang trang, sạch sẽ.
Ông Trần Vạn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết, có thể nói, tình quân dân trên đảo gắn kết keo sơn như ở chung một nhà. Những năm qua, dù sống và làm việc trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn nhưng quân dân trên đảo luôn giữ vững tinh thần trước đầu sóng ngọn gió, kiên định lập trường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trước mọi thách thức. Đến nay, xã đảo Song Tử Tây đã và đang là một trong những ngọn cờ đầu đầy tự hào của huyện đảo Trường Sa
LÝ KHÁNH VINH