Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở bậc trung học phổ thông gần hết một học kỳ của lớp 10 nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố những thay đổi trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học từ năm 2025.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thay đổi hoàn toàn từ năm 2025 nên tôi rất sốt ruột, không biết sẽ thay đổi như thế nào vì chương trình mới khác hẳn chương trình cũ về kiến thức, mục tiêu giáo dục,” chị Hoàng Phương Hoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Theo phụ huynh này, với chương trình hiện hành, học sinh học bắt buộc tất cả các môn và thi tốt nghiệp bắt buộc ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tự chọn môt trong hai nhóm tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên (gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm môn Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử). Trong khi với lứa học sinh lớp 10 năm nay chỉ học bắt buộc 4 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử, các môn học còn lại được tự chọn.
“Với sự lựa chọn đa dạng môn học như vậy, không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi như thế nào, nếu thi tất cả các môn thì đề thi chắc chắn sẽ rất phức tạp, hay bộ sẽ chỉ tổ chức thi 4 môn bắt buộc? Lúc đó, các trường đại học sẽ xét tuyển như thế nào?” chị Hoa băn khoăn.
Theo chị Hoa, tuy số chỉ tiêu các trường đại học dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đã giảm trong những năm qua nhưng đây vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ chỉ tiêu cao nhất. Trong khi để có kết quả tốt cho kỳ thi này, học sinh sẽ phải tập trung học ngay từ lớp 10. “Vì thế, tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sớm để học sinh, phụ huynh và các nhà trường chủ động trong kế hoạch học tập,” chị Hoa kiến nghị.
Trong lúc chờ đợi thông tin về kỳ thi, chị Hoa tập trung cho con học ngoại ngữ để thi các chứng chỉ quốc tế nhằm chuẩn bị sẵn cho các phương án tuyển sinh khác có xét chứng chỉ.
Tuy nhiên, với những học sinh khu vực nông thôn, miền núi lại không có điều kiện thuận lợi học ngoại ngữ để sẵn sàng “xếp lốt” nhiều cửa tuyển sinh như học sinh thành phố, phần lớn xét tuyển theo hai phương thức dựa vào điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Vì vậy, việc mong ngóng chờ đợi thông tin về kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo lại càng lớn.
Em Trần Thị Vân (Kiến Xương, Thái Bình) cho hay kỳ thi tốt nghiệp hiện nay có 4 bài thi với 6 môn nên có thể kết hợp thành nhiều tổ hợp để xét tuyển, học sinh cũng có đa dạng sự lựa chọn các tổ hợp. “Tuy nhiên, ở chương trình mới, học sinh chỉ học bắt buộc 4 môn nên nếu bộ chỉ thi tốt nghiệp 4 môn thì việc xét tuyển đại học sẽ như thế nào khi số tổ hợp sẽ hạn chế hơn, học sinh ít lựa chọn hơn? Nếu đề thi tốt nghiệp dễ hơn và bộ giao cho các địa phương tổ chức thì liệu các trường đại học có sử dụng điểm thi này để xét tuyển nữa không? Nếu không, lúc đó các trường sẽ tuyển sinh như thế nào? ” Vân băn khoăn với hàng loạt câu hỏi.
Cũng theo Vân, không chỉ kỳ thi tốt nghiệp của bộ mà việc các kỳ thi riêng của các trường như bài thi tư duy, thi kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ được tổ chức như thế nào sau hai năm nữa cũng là vấn đề học sinh rất chờ đợi thông tin vì các kỳ thi này hiện kiểm tra kiến thức khá toàn diện trong khi hiện hay học sinh chương trình mới không học toàn diện mà chỉ chọn một số môn học.
“Khi bộ và các trường công bố các phương án thi thì học sinh mới xác định được định hướng học tập như thế nào vì mục tiêu cuối cùng của học sinh là trúng tuyển vào các ngành, trường đại học mà mình mong muốn,” Vân cho hay.
Không chỉ với học sinh, phụ huynh, các trường đại học cũng đang sốt ruột chờ bộ. Lãnh đạo một đại học cho hay xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là nguồn tuyển chính của trường. “Vì thế, chúng tôi cũng đang chờ đợi phương án thi mới của bộ để có thể tính toán, điều chỉnh phương thức tuyển sinh phù hợp vì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường khi điều chỉnh tổ hợp môn và chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức, các tổ hợp phải công bố sớm cho thí sinh có sự chuẩn bị, học và ôn tập,” vị này cho hay.
Trước đó, tại buổi họp báo vào đầu tháng Bảy, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tổ chức kỳ thi này từ năm 2025, khi lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới học đến lớp 12, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho khẳng đinh: "Khi học sinh lớp 12 học theo chương trình mới thì thi tốt nghiệp sẽ có cách thi hoàn toàn mới. Trước khi thực hiện, Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ, theo hướng sao để kỳ thi ngày càng tinh gọn hơn và đảm bảo mục tiêu của kỳ thi."
Tại Hội nghị tổng kết về công tác thi và quản lý chất lượng tổ chức tháng Chín vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay bộ đã có một số phương án cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Theo ông, chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện. Vì vậy cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025./.
Theo TTXVN