Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
iCracked ra đời từ phòng ký túc xá đại học - Ảnh: CNBC.
Khi còn là sinh viên trường Đại học Bách khoa bang California, AJ Forsythe, 29 tuổi, thường phải chi nhiều tiền cho việc sửa chữa chiếc điện thoại iPhone cũ kỹ của mình. Chính từ thực tại này, anh đã thành lập công ty sửa chữa điện thoại mang về hàng triệu USD mỗi năm, tờ CNBC cho biết.
“Tôi liên tục làm hỏng điện thoại”, Forsythe chia sẻ với CNBC. “Và khi hóa đơn sửa chữa lên tới 200 USD, tôi quyết định mình sẽ phải tự tay giải quyết vấn đề. Tôi tháo rời các bộ phận điện thoại, đặt mua linh kiện thay thế trên mạng và tự sửa nó”, anh nói.
Forsythe nhanh chóng nhận ra rằng anh không phải là sinh viên duy nhất trải qua tình trạng tương tự. Hầu hết sinh viên đại học đều thường xuyên là hỏng điện thoại của mình và không có nhiều tiền để sửa chữa.
“Tôi cũng giúp bạn cùng phòng sửa điện thoại. Sau đó, một cách tự nhiên, tôi bắt đầu sửa điện thoại cho bạn bè”, Forsythe cho biết.
Sau đó, Forsythe lập công ty sửa chữa điện thoại mang tên iCracked và bắt đầu in tờ rơi quảng cáo ngay trong khuôn viên đại học. Anh hành nghề ở ngay phòng ký túc xá hoặc thư viện của trường và lấy phí khoảng 75 USD mỗi lần sửa.
“Với công việc này, tôi có thể vừa học vừa làm và kiếm được khoảng 60.000 - 70.000 USD”, Forsythe chia sẻ với CNBC.
Trong những năm cuối đại học, Forsythe hợp tác cùng Anthony Martin, một người bạn tại trường Đại học California, Santa Barbara, và bắt đầu mở rộng iCracked ra ngoài khuôn viên trường đại học.
Sau khi tốt nghiệp, Forsythe và Martin xây dựng mạng lưới 40 kỹ sư để cùng làm công việc sửa chữa điện thoại. Sau đó, cả hai quyết định tới thung lũng Silicon lập nghiệp.
“Chúng tôi gói ghém mọi thứ lên xe tải của Martin rồi tới San Francisco, tại đây tôi sống nhờ ở nhà anh trai Forsythe kể lại. “Thông qua 'vườn ươm khởi nghiệp' Y Combinator, chúng tôi có một chút vốn và bắt đầu làm việc ngày đêm để phát triển công ty”.
Năm 2012, Forsythe và Martin mở trụ sở công ty tại thành phố Redwood, California với doanh thu năm đó đạt 2 triệu USD. Năm 2014, sau 4 năm ra đời từ phòng ký túc xá của Forsythe, iCracked đạt doanh thu 25 triệu USD.
Hiện iCracked đã có khoảng 70 nhân viên và xây dựng được mạng lưới hơn 5.000 kỹ sư chuyên sửa chữa điện thoại iPhones, iPads hay các thiết bị Samsung Galaxy.
iCracked cung cấp dịch vụ sửa chữa theo yêu cầu tại chỗ và lấy phí khoảng 100 USD. Thời gian sửa là khoảng 30 - 45 phút.
“Chúng tôi đang xây dựng một mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, trong tương lai, dù ở bất cứ đâu trên trái đất, khi gặp vấn đề về kỹ thuật, bạn chỉ cần bấm nút gọi và chúng tôi sẽ xuất hiện để giúp bạn”, Forsythe chia sẻ.
Chia sẻ về những khó khăn trên con đường lập nghiệp, Forsythe cho rằng mọi người thường tự huyễn hoặc về con đường trở thành doanh nhân.
“Đây là một công việc thực sự vất vả”, Forsythe nói với CNBC. “Khi bạn mới chỉ bắt đầu, tất cả bạn bè đều kiếm nhiều tiền hơn bạn, còn bạn thì đang rơi vào nợ nần, làm việc 18 tiếng mỗi ngày. Chưa kể, bố mẹ không ngừng kêu ca về việc bạn không có một công việc thực sự”.
“Hãy chuẩn bị tinh thần ăn, ngủ và sống cùng công ty của bạn”, Forsythe khuyên các doanh nhân khởi nghiệp.
“Chẳng bao giờ là quá sớm để bắt đầu một công ty. Nếu bạn muốn làm điều đó thì hãy ngừng đưa ra lý do để trì hoãn. Chẳng thời điểm nào tốt hơn hôm nay”, Forsythe nói.
Theo Vneconomy