| 23-09-2013 | 00:00:00

Sử dụng kính vỉa hè: “Mua” bệnh cho mắt

Môi trường sống ngày càng ô nhiễm, nhu cầu về kính mắt của người dân ngày càng cao. Do vậy kính vỉa hè được bày bán khắp nơi trên các tuyến đường, đặc biệt là trên quốc lộ 13 nhiều phương tiện tham gia giao thông qua lại. Tuy nhiên người mua chỉ chú ý đến kiểu dáng, mẫu mã mà không quan tâm đến chất lượng của các loại kính được bày bán tràn lan này.    Một sạp kính mắt được bày bán tại vỉa hè ở ấp 2, Thới Hòa, Bến Cát

 Kính “hàng hiệu” trị giá tiền chục

Đi khắp tỉnh Bình Dương hầu như huyện, thị, thành phố nào cũng có các quầy bán kính vỉa hè. Nhiều nhất là trên quốc lộ 13 đi qua huyện Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một… với đầy đủ các loại kính khác nhau, mẫu mã, kiểu dáng hết sức đa dạng, phong phú. Các loại kính vỉa hè có giá rẻ hơn rất nhiều so với giá của những chiếc kính được bán trong các cửa hàng kính thuốc, kính mắt. Trung bình một chiếc kính thời trang, chống bụi, râm mát có giá dao động từ 15.000 - 50.000 đồng. Các thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Carera, Gucci, Rayban, Police, Montblanc… cũng được làm “nhái” như thật nên rất hấp dẫn người mua.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hầu hết những loại mắt kính được bày bán ở vỉa hè đều là hàng nhái, hàng rẻ tiền được nhập từ Trung Quốc. Với tâm lý ham giá rẻ, thích mẫu mã đẹp, người tiêu dùng đã bỏ tiền ra mua những chiếc kính không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định chất lượng, ảnh hưởng xấu đến đôi mắt của mình. Người mua chủ yếu là các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, những người có thu nhập thấp. Tại một sạp kính ở thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát) ở đây có bày bán đầy đủ các loại kính với đa dạng kiểu dáng, màu sắc và nhãn hiệu được “nhái” nhưng không hề được trang bị một thiết bị kỹ thuật đo mắt nào. Không chỉ các loại kính được bày bán ở vỉa hè, mà ngay cả các loại kính quảng cáo trên mạng internet cũng có thể làm nhái rất cao cấp, tinh tế về màu sắc và chất liệu. Vì vậy, đòi hỏi người mua phải trang bị những hiểu biết nhất định về các loại mắt kính để không bị nhầm lẫn.

“Mua” bệnh cho mắt

Vì kính là mặt hàng liên quan đến sức khỏe của con người nên theo quy định, người bán kính phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định, nơi bán phải có các dụng cụ kỹ thuật đo mắt. Nhưng hiện nay trên thực tế, việc buôn bán kính mắt diễn ra tràn lan, ai cũng có thể bán kính và chỉ cần một cái giá treo với một số vốn nhỏ là có thể “hành nghề”. Do kính vỉa hè được làm bằng chất liệu kém chất lượng vì thế sử dụng sau một thời gian ngắn, người đeo sẽ thấy da ở quầng mắt mình xám lại, nổi mẩn đỏ. Việc sử dụng thường xuyên các loại kính này sẽ có cảm giác mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt; mặt khác, những loại kính mắt rẻ tiền này có thể gây biến dạng về hình ảnh ảnh hưởng lớn đến mắt. Đặc biệt, các loại kính kém chất lượng này không có chức năng chắn tia cực tím, do vậy đeo lâu ngày có thể gây đục thủy tinh thể. Chị Hoàng Thị Lê, trú tại Tân Định (Bến Cát) cho biết: “Đi đường nhiều bụi tôi có mua một chiếc kính ở ven đường đeo để bảo vệ mắt. Sau một thời gian đeo, tôi cảm thấy mắt mình có dấu hiệu mỏi, nước mắt hay chảy vô cớ, xung quanh vùng mắt cứ quầng lại mà nhỏ thuốc mãi cũng không khỏi. Tôi đi khám và bác sĩ cho biết nguyên nhân do đeo kính mắt kém chất lượng nên ảnh hưởng đến thị lực của mắt”.

Bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giang, Trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Sử dụng những loại mắt kính rẻ ngoài vỉa hè hoặc trong các cửa hàng kính mắt mà không kiểm tra mắt sẽ dẫn đến những tác hại khó lường. Các loại kính này không phù hợp với khúc xạ của mắt, vì vậy dẫn đến hiện tượng mỏi mắt, nước mắt chảy, thậm chí đau nhức đầu gây khó khăn trong sinh hoạt, làm việc và học tập… bởi hình ảnh hiển thị qua kính không thật. Khi đeo mọi thứ xung quanh bị kéo lồi ra do mắt kính hình cầu được làm nhái không được chuẩn. Nhiều người bệnh sau một thời gian đeo đến khám mắt mới biết lý do kính kém chất lượng”. Bác sĩ Giang còn cho biết thêm, các loại kính này không có khả năng chống tia cực tím vì thế khi đeo vào chỉ gây tác động xấu đến mắt. Nếu nhẹ có thể giảm thị lực, rối loại thị giác, nếu dùng lâu dài có thể dẫn đến hiện tượng đục thủy tinh thể.

 PHẠM HIỀN

Chia sẻ