Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nếu không có gì thay đổi, ông Shehbaz Sharif sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Pakistan thứ hai trong những ngày tới, trở lại vai trò mà ông đã đảm nhiệm trong 16 tháng sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm hồi năm 2022.
Cờ đến tay ông Shehbaz
Kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Pakistan diễn ra hôm 8/2 vừa qua cho thấy, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của ông Nawaz Sharif, người từng 3 lần giữ chức thủ tướng nước này, là chính đảng giành được nhiều ghế nhất, với 75 trên tổng số 265 ghế trong Quốc hội. Nhưng, như vậy chưa đủ quá bán để PML-N thành lập một chính phủ mới.
Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và em trai ông, Shehbaz Sharif (bên phải) phát biểu trước những người ủng hộ sau khi có kết quả ban đầu của cuộc bầu cử.
Trong khi đó, các ứng cử viên độc lập liên kết với đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của cựu thủ tướng đang ngồi tù là ông Imran Khan đã giành được 93 ghế. Dù bị cấm tranh cử dưới ngọn cờ của PTI nên các ứng cử viên này phải tranh cử với tư cách độc lập. Và, dù chiếm nhiều ghế trong quốc hội hơn bất kỳ đảng nào, con số 83 ghế cũng vẫn không đủ để họ đạt đa số.
Ở những kết quả còn lại, đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cựu Ngoại trưởng Bilawal Bhutto-Zardari giành được 54 ghế và Phong trào Muttahida Qaumi-Pakistan (MQM-P) giành 17 ghế. Các đảng khác còn thấp hơn nữa: Jamiat Ulema-e-Islam (JUI) giành được 4 ghế, PML-Quaid 3 ghế trong khi đảng Istehkam-e-Pakistan (IPP) và đảng Quốc gia Balochistan (BNP) mỗi đảng có 2 ghế.
Để thành lập chính phủ, một đảng phải giành được tối thiểu 133 trong tổng số 265 ghế trong Quốc hội Pakistan. Và, bởi chỉ có 75 ghế nên PML-N sẽ phải tìm kiếm giải pháp liên minh với các đảng khác để đạt tới đa số trong quốc hội và thành lập chính phủ.
Đến cuối tuần qua, PML-N đã có được cái bắt tay của PPP cũng như MQM-P và 4 đảng khác để có thể thành lập một chính phủ liên minh, trong đó chức vụ thủ tướng sẽ đến từ đang có nhiều ghế nhất: PML-N. Đấy là lý do ông Nawaz Sharif được dự báo sẽ lần thứ tư trong sự nghiệp đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Pakistan.
Nhưng, do các ứng cử viên độc lập - những người ủng hộ đảng PTI và cựu Thủ tướng Imran Khan - phản đối việc ông Nawaz Sharif có ghế trong quốc hội và và bản thân ông này khi còn đương nhiệm từng có những mâu thuẫn với các tướng lĩnh quân đội, nên em trai của ông, Shehbaz Sharif trở thành gương mặt sáng giá hơn cho chức vụ Thủ tướng Pakistan.
Do vậy, ngày 13/2, liên minh các đảng do PML-N dẫn đầu đã chính thức đề cử ông Shehbaz Sharif vào chức vụ Thủ tướng Pakistan. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau, mọi thứ đã xấu đi nhanh chóng khi 2 đảng lớn nhất trong liên minh là PML-N và PPP cho biết họ không thể đạt được công thức chia sẻ quyền lực trong việc hình thành chính phủ mới.
Theo đó, cuộc họp lần thứ ba giữa Ủy ban Liên lạc và Điều phối (CCC) của PML-N và PPP diễn ra vào thứ Bảy (17/2) nhằm tìm kiếm công thức chia sẻ quyền lực cho một chính phủ liên minh đã không ra được kết quả, dù cả hai bên đều tuyên bố đã đạt những tiến bộ đáng kể trong các cuộc thảo luận.
Vì vậy, cả hai quyết định gặp lại vào thứ Hai để hoàn tất công thức chia sẻ quyền lực. Kết quả cụ thể của cuộc họp sau đó còn chờ công bố chính thức, nhưng Chủ tịch đảng PML-N, ông Raja Riaz tiết lộ với hãng tin ARY News rằng các quyết định về việc thành lập chính phủ đã “chốt xong” bởi đồng Chủ tịch đảng PPP, Asif Ali Zardari và cựu Thủ tướng Shehbaz Sharif.
Lựa chọn tốt nhất lúc này
Như vậy, có thể khẳng định rằng ông Shehbaz Sharif sẽ trở lại tiếp quản chức vụ Thủ tướng Pakistan sau khi từng lãnh đạo một chính phủ liên minh từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2023 trong giai đoạn cựu thủ tướng Imran Khan vừa bị quốc hội bãi nhiệm và đất nước chờ tiến hành tổng tuyển cử.
Ông Shehbaz Sharif từng giữ chức Thủ tướng Pakistan trong 16 tháng sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm năm 2022.
Thành tựu lớn nhất của ông Shehbaz Sharif trong nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi trước đây là giành được gói cứu trợ 3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho một Pakistan đang trên bờ vực vỡ nợ. Thỏa thuận được ký kết sau khi ông đích thân đến gặp Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva vào tháng 6 năm ngoái.
Trước khi giữ chức Thủ tướng Pakistan, ông Shehbaz Sharif từng làm thủ hiến ở bang lớn nhất đất nước: Punjab. Trên cương vị này, ông đã lên kế hoạch và thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng lớn đầy tham vọng, bao gồm hệ thống giao thông công cộng hiện đại đầu tiên của Pakistan ở Lahore.
Các thành viên nội các và các quan chức từng làm việc chặt chẽ với ông Shehbaz Sharif đều nhận định chính trị gia 72 tuổi này là người rất nghiện công việc và mô tả ông có những phẩm chất của một nhà kỹ trị xuất sắc nhiều hơn là một chính trị gia.
Có bằng luật tại Đại học Punjab, ông Shehbaz Sharif cũng thường thể hiện kỹ năng hùng biện, tư duy phân tích và khả năng thuyết phục sắc bén. Nhờ đó, ông đã hoàn thành vai trò quan trọng trong việc duy trì một chính phủ liên minh lỏng lẻo suốt 16 tháng sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm.
Bây giờ, khi đảng PML-N của Shehbaz Sharif cũng phải liên minh với 6 đảng phái khác để thành lập chính phủ, những kinh nghiệm “chèo lái” giữa những lằn ranh lợi ích trong nhiệm kỳ trước hứa hẹn sẽ giúp ích rất lớn cho ông trong việc quy tụ sự đoàn kết trên chính trường Pakistan.
Vì thế, nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Shehbaz Sharif là lựa chọn tối ưu với Pakistan vào thời điểm này. Bởi, ngoài những phẩm chất của một nhà kỹ trị giỏi thì điều quan trọng là ông Shehbaz có mối quan hệ thân thiện với quân đội hơn anh trai mình, Nawaz Sharif - người đã phải sống lưu vong nhiều năm ở London sau khi xung đột với các tướng lĩnh và mới chỉ trở lại Pakistan vào năm ngoái.
Quá nhiều thách thức phía trước
Tiếp quản chiếc ghế thủ tướng khi Pakistan đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế với lạm phát vẫn rất cao, dao động quanh mức 30% và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức khoảng 2%, nhiều thách thức đang chờ ông Shehbaz Sharif.
Đầu tiên, ông chắc chắn sẽ phải lặp lại chính thành tích của mình trong việc thu xếp một gói cứu trợ ngắn hạn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chương trình hiện tại sẽ hết hạn vào tháng tới và một thỏa thuận gia hạn là rất cần thiết để giữ Pakistan trên con đường phục hồi kinh tế. Nhưng, nhiệm vụ này đồng nghĩa Pakistan sẽ phải chấp nhận thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa từ IMF. Và, hệ lụy kéo theo chắc chắn rất phức tạp.
Farhan Bokhari, chuyên gia phân tích kinh tế khu vực Nam Á, nhận định: “Đây là thời điểm rất khó khăn trong lịch sử Pakistan. Chính phủ mới sẽ buộc phải đưa ra những lựa chọn không được lòng dân để đủ điều kiện nhận khoản vay mới của IMF. Những quyết định đó lại mang đến nguy cơ gây bất bình cho công chúng trong tương lai gần. Thế nên, sẽ không có kỳ trăng mật nào cho chính phủ mới”.
Theo các nhà phân tích, việc tư nhân hóa một số tập đoàn nhà nước khổng lồ, bao gồm cả hãng hàng không quốc gia Pakistan và duy trì thu hút đầu tư nước ngoài sẽ là chìa khóa quan trọng để chính phủ mới hạ nhiệt khủng hoảng kinh tế. Nhà Sharif vốn có mối quan hệ chặt chẽ với hoàng gia Saudi Arabia và Qatar, điều này có thể giúp đảm bảo các khoản đầu tư vào một số dự án mà Pakistan gần đây đã rao bán.
Nhưng, việc này sẽ cần đến những lá phiếu ở Quốc hội. Bà Maliha Lodhi, cựu đại diện của Pakistan tại Liên hợp quốc, nhận định: “Thử thách quan trọng nhất đối với chính phủ sẽ là về kinh tế. Không rõ liệu chính phủ có thể huy động được sự ủng hộ của các đồng minh để đưa ra những quyết định cứng rắn nhưng không được ưa chuộng nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi khu vực nguy hiểm hay không. Và, cách họ sẽ xoay xở tại quốc hội khi mà các nghị sĩ ủng hộ cựu Thủ tướng Imran Khan sẽ tạo thành một khối lớn cũng đang là câu hỏi mở”.
Bên cạnh bài toán kinh tế thì một nhiệm vụ lớn của ông Shehbaz Sharif vẫn sẽ là duy trì mối quan hệ với quân đội, lực lượng đã trực tiếp hoặc gián tiếp chi phối nền chính trị Pakistan kể từ khi quốc gia Nam Á này giành độc lập năm 1947. Trong nhiều năm, quân đội Pakistan đã phủ nhận việc can thiệp vào chính trị. Nhưng, trước đây họ đã 3 lần can thiệp trực tiếp để lật đổ các chính phủ dân sự và chưa có thủ tướng nào hoàn thành đủ nhiệm kỳ 5 năm.
Mặc dù các quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng chủ yếu có thể chịu ảnh hưởng của quân đội, ông Sharif sẽ phải cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, cả hai đều là đồng minh lớn với quốc gia Nam Á này. Ông cũng sẽ đối mặt với việc giải quyết mối quan hệ đang rạn nứt với 3 trong số 4 nước láng giềng của Pakistan là Ấn Độ, Iran và Afghanistan.
Thời gian qua, Pakistan hứng chịu nhiều cuộc tấn công của các tổ chức khủng bố như Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở các tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan giáp giới với Afghanistan. Căng thẳng xuyên biên giới với Iran và Afghanistan cũng mới chỉ lắng xuống sau khi căng như dây đàn vì hai bên thực hiện các cuộc không kích gây chết người nhằm vào các mục tiêu phiến quân trên lãnh thổ của nhau hồi tháng 1.
Bà Maliha Lodhi cho biết trong bối cảnh ấy, chính phủ mới càng phải hợp tác chặt chẽ với quân đội “để đối phó với sự gia tăng hoạt động khủng bố” cũng như các thách thức an ninh khác. Và, cách mà ông Shehbaz Sharif duy trì quan hệ thân thiện với các tướng lĩnh sẽ cho thấy ông có thể đứng vững như thế nào trước những sóng gió hứa hẹn rất lớn trong nhiệm kỳ thủ tướng lần này.
Rắc rối và cáo buộc vẫn bủa vây
Đảng PTI của cựu Thủ tướng Imran Khan vẫn đang cáo buộc rằng đã xảy ra tình trạng gian lận phiếu bầu tràn lan nhằm ngăn cản họ giành được đa số ghế trong quốc hội.
Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử Pakistan cũng vừa tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc điều tra sau khi một ủy viên Ủy ban Bầu cử Pakistan tên là Liaquat Ali Chattha mới đây thú nhận “đã thao túng kết quả bầu cử” ở thành phố Rawalpindi, bang Punjab để biến các ứng cử viên thua cuộc ở đây thành người chiến thắng.
Hiện PTI cũng đang kêu gọi biểu tình trên toàn quốc để phản đối kết quả bầu cử và nếu lời thú nhận của Chattha được xác minh là đúng sự thật, rất có thể các cuộc biểu tình sẽ lan rộng, đem lại nguy cơ bất ổn chính trị lớn cho Pakistan.
Theo CAND