| 30-08-2023 | 14:06:31

Sửa đổi Luật Điện lực: Tư nhân được làm truyền tải, xóa bỏ bù chéo

Nhân viên EVN kiểm tra vận hành thiết bị điện.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình 4999/TTr-BCT đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) gửi Chính phủ, trong đó có nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay khi có nhiều thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển ngành điện, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nguồn năng lượng tái tạo.

Giá điện theo cơ chế thị trường

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, một trong những điểm được đề cập tới trong Luật Điện lực (sửa đổi) là việc thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường.

Bộ Công Thương cho rằng thực tế, việc điều hành giá điện như hiện nay đảm bảo tính minh bạch và linh hoạt, tuy nhiên do điện là loại hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô.

Do vậy, Bộ này đề xuất cần thiết sửa đổi quy định tại Luật Điện lực liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện theo hướng sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực, cụ thể giao Chính phủ quy định (dưới dạng Nghị định của Chính phủ) thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như tại Luật Điện lực hiện hành (quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Để đồng bộ với pháp luật chung về giá, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng quy định liên quan đến các loại giá điện, "cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện" phù hợp với nội dung quy định tại Luật Giá (sửa đổi).

Về vấn đề bù chéo, Luật Điện lực hiện hành quy định: "Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng"; Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra định hướng "không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền." Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

Tư nhân được làm truyền tải

Một điểm khác được sửa đổi lần này là "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện." Bộ Công Thương hoàn thiện quy định trong hoạt động truyền tải theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện, đồng thời thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải phục vụ đấu nối nguồn điện.

Trong luật quy định "Nhà nước độc quyền trong xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện" thay vì những quy định độc quyền chung chung. Như vậy, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải.

Tất cả các dự án điện (gồm nguồn và lưới) sẽ cần đánh giá trên cơ sở nguồn lực của nhà nước (thông qua các tập đoàn/doanh nghiệp nhà nước) và các tiêu chí khác để xác định các dự án nào do nhà nước hay tư nhân thực hiện trong từng thời kỳ quy hoạch.

Điện tái tạo phải đàm phán giá

Hiện nay, tổng công suất đặt nguồn điện năm 2019 là 56 GW và đã tăng lên trên 69,3 GW năm 2020 nhờ sự phát triển nhanh của các nhà máy điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời mái nhà.

Tốc độ này góp phần đưa tỷ lệ xây dựng nguồn điện đạt 132% so với tổng công suất đặt giai đoạn 2016-2020 của Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Tuy nhiên, cơ cấu xây dựng nguồn điện lại khác biệt. Cụ thể, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo vượt mức 480% thì các nguồn nhiệt điện chỉ đạt gần 60%.

Bộ Công Thương đánh giá tốc độ phát triển năng lượng tái tạo đã được thúc đẩy nhờ các chính sách, quy định khuyến khích phát triển song "chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định."

Hiện, giá điện năng lượng tái tạo trên thế giới ngày càng giảm. Trong khi đó, quy mô nguồn điện ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Thị trường công nghệ, thiết bị điện gió đã trở nên cạnh tranh hơn. Do vậy, Bộ này cho rằng, việc duy trì tiếp tục các chính sách hỗ trợ là không còn phù hợp.

Qua đó, giá bán điện các dự án năng lượng tái tạo sẽ áp dụng như các dự án điện khác là thủy điện, nhiệt điện, còn các ưu đãi đầu tư khác đã được quy định tại Luật Đầu tư.

Như vậy, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và cả các dự án trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế đàm phán.

Cụ thể, các chủ đầu tư dự án sẽ phải đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành./.

Theo TTXVN

Chia sẻ