Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh được đưa vào sử dụng đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các địa phương có công trình đi qua. Có thể thấy, chủ trương phát triển hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, nhất là kết nối các vùng nông thôn đang tạo lực đẩy cho Bình Dương phát triển trong giai đoạn mới.
Các công trình giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo tỉnh nhà. Trong ảnh: Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng
Mở đường, kết nối để phát triển
Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi trở lại các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến đâu, chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy niềm phấn khởi của người dân nơi có công trình đi qua. Ông Châu Văn Hòa, ở khu phố 3, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, chia sẻ mới ngày nào ở phía trước nhà ông là những vườn cao su bạt ngàn, những con đường mòn nhỏ hẹp để bà con đi thu hoạch mủ, chăm sóc vườn cao su giờ đây đã được thay thế bằng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với 6 làn xe hiện đại, khang trang. Tuyến đường này giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong vùng thuận lợi hơn, người dân chỉ mất khoảng 30 phút đi từ thị trấn Phước Vĩnh đến trung tâm huyện Bàu Bàng.
“Gia đình tôi sinh sống hàng chục năm nay tại địa phương. Từ khi có đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đi qua, người dân trong khu vực có điều kiện hơn để phát triển kinh tế gia đình; nhiều căn nhà mới đẹp mọc lên, dáng dấp đô thị đang hình thành từng ngày ở khu vực nông thôn. Đường tạo lực được đầu tư giúp cho việc đi lại giữa các khu công nghiệp dễ dàng, từ đó góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp đến đây đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân vùng nông thôn. Tôi tin tưởng kinh tế địa phương sẽ phát triển mạnh hơn, sớm rút ngắn khoảng cách vùng nông thôn với đô thị…”, ông Châu Văn Hòa phấn khởi nói.
Trong khi đó, anh Lê Văn Mười, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho hay từ ngày đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hoàn thành đưa vào sử dụng, cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh nơi anh sinh sống trở nên nhộn nhịp hơn trước rất nhiều. Công trình đi vào hoạt động sẽ sớm đưa vùng nông thôn Tam Lập “thay da đổi thịt” trong giai đoạn phát triển mới. Anh cho biết thêm, sắp tới khi tuyến đường từ Tam Lập đi huyện Đồng Phú (Bình Phước) hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước kết nối giao thương, giảm áp lực cho đường ĐT741 hiện hữu.
Công trình cầu Bạch Đằng 2 hoàn thành, đưa vào sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế TP.Tân Uyên, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) và liên kết vùng
Khơi thông nguồn lực phát triển
Một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng khác được khánh thành, đưa vào sử dụng vừa qua là cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai kết nối giữa xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên với xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Trao đổi cùng chúng tôi, người dân khu vực có cầu đi qua phấn khởi cho biết sau hơn 2 tháng đưa công trình cầu Bạch Đằng 2 vào sử dụng họ thấy được sự thay đổi rất lớn, đó là việc đi lại bằng cầu thay phà đã tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí đi lại; việc buôn bán giữa hai bên bờ sông cũng có nhiều khởi sắc hơn so với trước.
Bà Nguyễn Thị Ẩn ở ấp 4, xã Bình Lợi, tâm tình từ khi có cầu Bạch Đằng 2 kết nối giữa Bình Dương và Đồng Nai người dân trong xã rất phấn khởi, vì đi lại rất thuận tiện, an toàn, hoạt động buôn bán của gia đình bà cũng khởi sắc hơn trước. Cùng chia sẻ niềm vui, bà Châu Thị Bé, ở xã Bạch Đằng, cho hay từ ngày cầu Bạch Đằng 2 đưa vào sử dụng người dân hai bên bờ sông đều rất vui mừng, phấn khởi, người dân qua lại không còn phải đứng chờ đò, tốn phí như trước. Những người thân, họ hàng hai bên bờ sông hàng ngày có thể di chuyển qua lại, thăm hỏi nhau nhiều hơn. Xe cộ nhộn nhịp qua lại trên cầu Bạch Đằng 2 tạo khí thế vui tươi cho người dân.
Có thể nói, với những nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, trong năm 2024 các dự án trọng điểm nêu trên đưa vào sử dụng đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nhất là hiện thực hóa chủ trương “mở đường để phát triển” của tỉnh. Trong năm 2025, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các dự án trọng điểm trên địa bàn, dự án giao thông kết nối với các tỉnh, thành như đường Vành đai 3, Vành đại 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường ven sông Sài Gòn… Các dự án được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển tỉnh nhà và vùng Đông Nam bộ.
MINH DUY