| 14-10-2013 | 00:00:00

Tai biến có thể dự phòng

Tai biến cũng có những tín hiệu báo trước nhưng thường xuyên bị bệnh nhân và người nhà bỏ qua

Đến khi hồi tỉnh sau cơn tai biến, ông N.V.T.M (ngụ quận 10, TP HCM) mới kể lại cho bác sĩ (BS) biết rằng trong mấy ngày trước đó, ông thường có cảm giác đột nhiên choáng váng, mắt mờ đi. Nghĩ là do làm việc căng thẳng, ông cũng chỉ lo ăn uống đầy đủ hơn mà thôi.

“Thoáng qua” đáng sợ

 Khám cho bệnh nhân tai biến tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM

Chưa bao giờ ông M. nghĩ đến hai từ “tai biến” bởi ông chưa đầy 50 tuổi và cơ thể vốn khá khỏe mạnh, không đau ốm lặt vặt dù uống rượu bia và hút thuốc lá khá nhiều. Ngờ đâu, chính những cơn choáng váng ấy là dấu hiệu báo trước cho cơn nhồi máu cơ tim. Một hôm, đang ngồi uống cà phê với bạn bè, ông bỗng gục xuống. Rất may là nhà gần bệnh viện (BV), được cấp cứu kịp thời nên cơn tai biến không gây hậu quả quá nghiêm trọng đối với ông.

TS-BS Lê Tự Phương Thảo - Trưởng Khoa Nội thần kinh - Huyết học BV Nhân dân Gia Định, TP HCM - cho biết bà đã từng gặp một số trường hợp sau khi được cứu khỏi cơn tai biến, bệnh nhân mới tiết lộ đã gặp phải vài triệu chứng “lạ” trong những ngày gần đó. Tuy nhiên, các triệu chứng ấy chỉ một lúc là hết nên họ cho rằng không sao và cũng quên bẵng đi. Trên thực tế, cơn tai biến - vốn được cho là hết sức bất ngờ - cũng có những dấu hiệu báo trước.

Theo BS Thảo, bệnh nhân có thể gặp các cơn thiếu máu não thoáng qua làm choáng váng. Có người gặp cơn nói ngọng thoáng qua. Người thì đang nói bỗng dưng ngưng bặt trong khoảng 5-7 phút. Cũng có trường hợp bỗng dưng bị mù thoáng qua 3-4 giây rồi nhìn rõ lại như cũ…

“Trong vòng 7 ngày trước khi tai biến xảy ra, những dấu hiệu báo trước này có thể đến nhiều lần. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do các dấu hiệu này đến và biến mất trong thời gian ngắn nên chúng thường bị người bệnh bỏ qua và không nghĩ đó là sự báo hiệu của tai biến” - BS Thảo phân tích.

BS Thảo cho biết có hai dạng tai biến: Do xuất huyết não và do nhồi máu não. Tai biến do xuất huyết não cần được đưa đến BV lập tức, còn tai biến do nhồi máu thì có “thời gian vàng” là 4-5 giờ.

“Tuy nhiên, không có nghĩa là đợi gần hết thời gian 4-5 giờ mới đưa bệnh nhân nhập viện. Việc cấp cứu phải càng sớm càng tốt vì tế bào não sẽ bị mất đi từng phút và càng được cứu sớm thì tổn thương não sẽ ít nặng nề hơn” - bà Thảo khuyến cáo.

BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, lưu ý bệnh nhân cần được nhận biết và cứu chữa sớm vì tổn thương não là tổn thương vĩnh viễn. Tổn thương này thường ảnh hưởng đến các vấn đề do vùng não đó phụ trách, điển hình là di chứng yếu liệt cơ thể hay một phần cơ thể.

Thực ra, khi bệnh nhân tập phục hồi chức năng và giúp phần cơ thể bị liệt “sống dậy” không có nghĩa là phần não đó cũng được cứu mà chỉ do cơ thể vốn có cơ chế bù trừ, có nơi khác “gánh giùm” chức năng của phần não đã bị tổn thương không thể phục hồi.

Trước đây, người bị tai biến thường được cho nằm khá lâu, sau đó tập phục hồi chức năng. Hiện nay, việc phục hồi chức năng được khuyến cáo thực hiện càng sớm càng tốt. Tập phục hồi chức năng là để cơ thể khởi động cơ chế bù trừ sớm và hiệu quả hơn; đồng thời các cơ, khớp cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều do bệnh nhân nằm lâu.

Người trẻ cũng bị tai biến

Theo BS Thảo, nhóm có nguy cơ tai biến cao nhất gồm những người bị cao huyết áp, người sử dụng bia rượu nhiều, người lớn tuổi (trên 60). Nhóm nguy cơ trung bình là những người có tiền căn gia đình có người tai biến, người hút thuốc lá, người mắc bệnh đái tháo đường…

Điều đáng lưu ý là tai biến không chỉ đe dọa người già mà người trẻ cũng có thể mắc, nhất là nhóm người nghiện thuốc lá. Ngoài ra, một số người trẻ cũng có thể gặp tai biến do bị bóc tách động mạch.

“Tôi từng gặp một thanh niên 18 tuổi, bị ngã xe gãy xương đòn. Một tuần sau, anh ta bỗng dưng bị liệt nửa người do tổn thương từ cú ngã đã gây bóc tách động mạch. Trong khi đó, có người kẹp điện thoại ở một bên cổ để nói chuyện khá lâu vì tay bận làm việc, nói xong thì cũng tự dưng liệt… Hiện tượng này có thể xảy ra sau một tác động nào đó làm ảnh hưởng đến vùng cổ” - BS Thảo giải thích.

BS Thảo cho biết có một nhóm đối tượng rất cần lưu ý nữa là người cao huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị căn bệnh này. Họ có thể gặp tai biến do xuất huyết não bất kỳ lúc nào và rất khó cứu chữa.

Chú ý quy tắc FAST

Các BS chuyên khoa lưu ý trước cơn tai biến, người bệnh thường gặp phải cơn đánh trống ngực, hồi hộp do hiện tượng rung nhĩ. Ngoài ra, cơn tai biến còn có các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng khác như bỗng dưng yếu liệt chi, ngọng nghịu, méo mặt...

Tại Mỹ, người dân được hướng dẫn quy tắc FAST: F là face - mặt, tức triệu chứng méo mặt; A - arm - tay, tức yếu liệt chi; S - speak - nói, tức bỗng dưng nói ngọng, không nói được nữa; T - telephone - điện thoại, nghĩa là khi có các triệu chứng trên thì nên lập tức gọi cấp cứu.

 

Theo NLĐ

Chia sẻ