Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chiều 1-2 (tức ngày 22 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã tái hiện nghi lễ thượng nêu (dựng cây nêu) theo phong tục của Vương triều Hồ vào ngày Tết Nguyên đán.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ thực hiện các nghi lễ tái hiện lễ thượng nêu ngày Tết.
Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi các sự kiện, chương trình đón Xuân mới Giáp Thìn 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức thực hiện. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của trên 1.000 học sinh trên địa bàn vùng di sản và đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt, cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, tục dựng cây nêu được đưa vào hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Lễ thượng nêu được thực hiện xong, triều đình sẽ tạm dừng mọi hoạt động và chỉ tập trung đón Tết. Đồng thời, nghi lễ thượng nêu thể hiện sự cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Việc khôi phục lễ thượng nêu ngày Tết tại Thành Nhà Hồ diễn ra với mục tiêu quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành Nhà Hồ đến với nhân dân và du khách trên cơ sở đặc trưng văn hóa của con người, vùng đất cố đô triều Hồ, đưa di sản thực sự đến gần hơn với công chúng và du khách trong nước và quốc tế.
Trong chiều 1/2, lễ thả cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo còn diễn ra ra, mang ý nghĩa tổng kết một năm hoạt động với nhiều thành công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản cũng như mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với nhân dân và vùng đất đã từng là kinh đô của Vương triều Hồ trong sử sách.
Trong dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ còn tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết khác như: Trưng bày hoa Xuân, chủ đề “Hoa Xuân cố đô"; chương trình giáo dục di sản, rung chuông vàng chủ đề “Âm vang cố đô”; khai mạc không gian trưng bày, chủ đề “Đất và người Tây Đô”; tái hiện không gian Tết xưa, chủ đề “Tết xưa di sản”; cho chữ đầu Xuân, chủ đề “Dấu xưa triều Hồ”; trưng bày ảnh, chủ đề “Con đường di sản”; trình diễn văn hóa nghệ thuật vùng Tây Đô, chủ đề “Sắc xuân Thành cổ”...
Đặc biệt, du khách và nhân dân sẽ được miễn phí tham quan, tham gia các hoạt động tại Di sản Thành Nhà Hồ từ ngày 4/2 đến 10/2 (tức ngày 25 tháng Chạp đến ngày mồng 1 Tết).
Theo TTXVN