Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Làm tốt công tác hòa giải quả thật không đơn giản, bởi công việc này thường được xem là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, ông Lê Văn Hiếu, trưởng khu phố Tân Phú 2, phường Tân Bình, TX.Dĩ An, kiêm tổ trưởng tổ hòa giải vẫn âm thầm làm việc bằng tất cả tinh thần tự nguyện, có trách nhiệm với người dân trong khu phố.
Từ kẻ ăn chơi…
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ khang trang, ông dành một góc nhỏ để cho vợ ngày ngày đứng lớp dạy thêm; cuộc sống của gia đình xem như viên mãn với vợ chồng hạnh phúc, con cái thành đạt và có của ăn của để. Nhìn vào đây ít ai nghĩ rằng quá khứ của ông đã lẫy lừng với “các món ăn chơi”. Từng vào tù ra khám, lại là con nghiện trong nhiều năm liền, ông khiến cho cả gia đình lâm vào cảnh bế tắc khi là “một người chẳng ra gì”! Không ai khuyên nhủ được ông, vợ và con cũng đã khóc hết nước mắt thuyết phục ông từ bỏ con đường nghiện ngập tăm tối, quay đầu làm lại cuộc đời. Ông thương vợ, thương con nhưng đã nghiện thì khó bỏ nên không thể quyết tâm tới cùng.
Ông Hiếu đang xem xét đơn thư được gửi tới Một lần, khi đưa con đi học, ông tận mắt chứng kiến con của mình bị bạn bè ăn hiếp, ngay cả khi tiếp xúc với cô giáo cũng có ấn tượng không tốt với đứa con có người cha ăn chơi, tù tội, nghiện ngập như ông. Thế là, ông quay về nhà quyết tâm cai nghiện chỉ với một sợi dây xích, ông tự tay xích mình lại vào một góc nhà và quăng chìa khóa đi mất. Lúc này, vợ ông là người ở cạnh để động viên, chăm sóc lúc ông bày tỏ quyết tâm cai. Cuối cùng, với ý chí và nghị lực lớn, ông đã thành công. Cũng từ lúc ấy, cuộc đời ông rẽ sang hướng khác. Ông bắt đầu lao vào chí thú làm ăn, tạo dựng sự nghiệp để vợ con “nở mặt” với bà con hàng xóm. Nhiều người không tin rằng ông có thể làm nên chuyện nhưng ông đã chứng minh cho mọi người thấy, ông đã làm được: nay nhà cửa đàng hoàng, vợ con đã có cuộc sống sung túc, thành đạt.
Một ngày, ông bàn với vợ: “Anh bây giờ cái gì cũng làm cật lực để có cuộc sống như hôm nay nhưng có một thứ chưa thể làm được đó là công việc xã hội, giúp đỡ cho bà con lối xóm”. Được vợ động viên, ông đứng ra tự ứng cử vào chức trưởng khu phố của phường. Chuyện có người tự ứng cử là rất hiếm, bởi công việc này vất vả mà phúc lợi không cao. Một người như ông mà ứng cử vào vị trí này khiến cho nhiều người… đau đầu! Bởi để làm công việc này phải là người được dân tin, dân mến, còn ông thì lại quá “mang tiếng, mang tai”. Thời gian ông quay đầu làm lại cuộc đời cũng đã giúp bà con hiểu rõ quyết tâm của ông là mãnh liệt như thế nào, họ tin tưởng, thế là ông trúng cử!
Đến trưởng khu phố mẫu mực
Ở cái tuổi 61, đáng ra nên ở nhà an dưỡng tuổi già nhưng ông Hiếu vẫn ngày ngày miệt mài đi đây đó để xác minh, hòa giải cho những người trong khu phố. Bởi lẽ, công việc này đòi hỏi ông phải thường xuyên đi sát thực tế, làm việc bằng tất cả tấm lòng mới làm cho dân tin, dân yêu, đoàn kết được người dân trong khu phố. Tính đến nay, ông đã có 12 năm làm công việc trên, là cả một quá trình phấn đấu để Tân Phú 2 luôn giữ vững danh hiệu ấp văn hóa, tình hình an ninh trật tự địa bàn luôn được bảo đảm.
Đối với những người làm công tác hòa giải như ông, không nhất thiết lúc nào cũng giở luật, mà phải bằng lời lẽ thuyết phục cho có lý, có tình. Tuy nhiên, để công tác hòa giải, phân xử được dễ dàng và nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên, ông Hiếu không ngại đi đến tận nơi, lấy đạo lý làm người ra để mà thuyết phục. Bằng tấm lòng, bằng uy tín cá nhân, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm nên người dân sớm nhận hiểu sự việc, rất nhiều trường hợp đã hòa giải thành công ngoài mong đợi cũng nhờ vào sự nhiệt tình của ông.
Trong công tác hòa giải, việc lắng nghe là điều hết sức quan trọng, ai cũng có cái lý của họ, nên ông thường để cho mọi người nói hết những băn khoăn gút mắc, yêu cầu của mình và ông cũng thường để cho hai bên đưa ra cách xử lý, hiểu nguyện vọng của bà con như thế nào thì mới bắt đầu phân tích vấn đề. Ở đây, những người làm công việc như ông thường dùng tình và lý nhiều hơn dùng luật để phân rõ trắng đen, hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc được đem ra phường phán quyết.
Đó là chưa kể tới những trường hợp khi người dân có rượu vào thì nói năng bạt mạng; thậm chí còn có những hành động càn quấy đối với người hòa giải viên. Tuy vậy, với kinh nghiệm làm việc nhiều năm, cộng với uy tín và được dân tin tưởng, khi ông đứng ra giải quyết sự việc thì ai cũng bị thuyết phục bởi tài ăn nói, cách phân xử công tâm, không hề thiên vị. Thời trẻ, ông đã trải qua rất nhiều thời gian… ăn chơi nên dễ hiểu tâm lý của những thanh, thiếu niên hư hỏng; từ đó dễ dàng khuyên nhủ bọn trẻ lấy mình làm gương, làm lại cuộc đời.
Có thể nói, kinh nghiệm cuộc sống đã giúp ông rất nhiều trong công tác hòa giải, từ cách tổ chức, giải quyết vấn đề đến cách nói chuyện phù hợp; tùy đối tượng mà đã giúp công việc thêm trôi chảy. Vì vậy mà ông nhận được rất nhiều bằng khen và giấy khen trong suốt thời gian đảm đương chức trách. Ông nói rằng: “Quá khứ là quá khứ, hiện tại là hiện tại, tôi không ngại cho mọi người biết mình là người như thế nào trong quá khứ. Tôi tự hào về những gì mình đã làm được, đã giúp dân trong suốt 12 năm qua. Mình ở đây có lợi thế là gần dân, mọi việc xảy ra đều nắm rõ đối tượng; vì vậy mình cần phải nhanh chóng hòa giải trước một bước để tạo mối đoàn kết, gìn giữ tình làng nghĩa xóm không bị rạn nứt là điều nên làm”.
Công việc là vậy, nhưng sinh hoạt phí của ông chỉ hơn 1,3 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này thật không đáng là bao so với công sức bỏ ra, dù công việc đảm nhận là không ít. Với tấm lòng nhiệt tình, những người như ông Hiếu được xem là “vác tù và hàng tổng” đã làm việc bằng cái tâm, bằng cả trách nhiệm của mình; góp phần không nhỏ vào việc ổn định và giúp cho cuộc sống người dân địa phương thêm bình yên!
THỦY TRINH