Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tối ngày 2-10, khi nhìn thấy những người cùng dãy trọ sắp xếp lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê, người khác thì tìm chủ trọ trả phòng, vợ chồng anh Phan Thành Thâu, quê tỉnh Bạc Liêu bỏ dỡ bữa cơm tối chạy đến từng phòng khuyên nhủ bà con ở lại. Sau đó, anh tiếp tục xách xe gắn máy chạy đến nhiều khu nhà trọ khác ở Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 3, TX.Bến Cát để chia sẻ thông điệp: “Về quê bây giờ là gánh nặng cho tỉnh nhà. Nếu ai khó, cứ gọi cho vợ chồng tôi. Hàng trăm người đã hồi tâm chuyển ý và đến bây giờ đã vào công ty làm việc”.
Vợ chồng anh Phan Thành Thâu sát cánh bên nhau trong những ngày “xung trận” chống dịch
Vợ chồng cùng “xung trận”
Vợ chồng anh Phan Thành Thâu và chị Võ Thị Hồng Gấm cùng là người xa quê, đến Bình Dương lập nghiệp được 6 năm nay. Sáng ngày 7-10, khi nhận được tin Công ty TNHH Danu Sài Gòn (KCN Mỹ phước 3, TX.Bến Cát) sẽ cho công nhân trở lại nhà máy làm việc vào tuần tới, cả 2 vợ chồng rất vui, rồi chạy đi báo tin cho đồng nghiệp. Thi thoảng anh lại nắm thêm thông tin công ty này, xí nghiệp kia được hoạt động trong những ngày tới, nhắn tin lên nhóm Zalo để thông báo: “Vui quá, vậy là được đi làm rồi nhé, chúc mừng các bạn”.
Hơn 2 tháng qua, vợ chồng anh không ngại khó, dầm mưa dãi nắng cùng tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 cùng với 100 đoàn viên, công nhân khác ở Trung tâm Hoạt động Thanh nhiên công nhân và Lao động trẻ tỉnh. “Công việc vất vả nhưng vui. Chúng em cùng thực hiện “3 tại chỗ” nên để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp. Có hôm cả nhóm test nhanh cho các khu nhà ở các phường Thái Hòa, Hòa Lợi đến tận khuya, sáng ra lại tiếp nhận quà từ các nơi gửi về, rồi phân chia từng con cá, mớ rau, tiếp ứng cho bà con từng khu trọ. Mình tham gia tuyến đầu nên quen biết rất nhiều anh em cùng quê miền Tây trong những ngày dịch; qua đó giúp đỡ được rất nhiều người khi họ cần lương thực hay ốm đau trong những ngày dịch bệnh”, anh Thâu chia sẻ.
Khi dịch bệnh trên địa bàn TX.Bến Cát bùng phát, cả 2 vợ chồng anh Thâu còn đúng 10 triệu đồng. Đây là tiền lương tháng thứ 2 nhận được sau tết. Anh tâm sự: “Những ngày công ty thông báo ngưng sản xuất, chúng em rất lo. Em có 2 đứa con đang ăn học dưới quê, phải chu cấp hàng tháng. Nằm nhà trọ được vài hôm thì nhận được thông báo từ trung tâm là đang cần người tham gia tuyến đầu, vậy là vợ chồng em đăng ký, không phải suy nghĩ thêm. Ai cũng sợ thì làm sao đẩy lùi được dịch bệnh, đến bao giờ mới có việc làm trở lại”. Anh cho biết, mấy hôm nay khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tạm yên, số ca mắc trên toàn tỉnh giảm xuống còn 3 con số, vợ chồng anh quay về khu trọ chờ ngày quay lại công ty sản xuất và liên tục nhận được niềm vui khi có nhiều người gửi lời cảm ơn vì anh chị đã khuyên nhủ họ không về quê.
Chị Trần Thị Dớn tham gia sàng lọc bóc tách F0 trên địa bàn TX.Bến Cát trong những ngày cuối tháng 9
Trong nhóm của anh Thâu còn có vợ chồng anh Lâm Văn Sum và chị Trần Thị Dớn, cũng quê tỉnh Bạc Liêu, làm công nhân Công ty TNHH Diamond Việt Nam (KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát). Những ngày qua, vợ chồng anh Sum cũng đảo xe đến nhiều khu nhà trọ khác trên địa bàn để động viên công nhân ở lại. Anh Sum cho biết, 2 tháng tham gia tuyến đầu, đến nhiều khu trọ cấp phát lương thực, test nhanh sàng lọc Covid-19 nên anh quen biết rất nhiều người. Vì thế, khi anh trở lại khuyên nhủ bà con, nhiều người lắng nghe, không kiên quyết về quê như trước.
“Tuần sau vợ chồng em vào công ty làm việc trở lại rồi. Bình Dương là quê hương thứ 2 mà em đã chọn. Vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, chúng em không ngại vất vả, hiểm nguy để tham gia tuyến đầu. Trước đó, ba mẹ ở quê gọi điện khuyên ngăn, sợ không may có chuyện gì 2 đứa con em không có ai lo. Nhưng em thì lại nghĩ khác, thời chiến bao người cầm súng xông pha chiến trường thì dịch bệnh có là gì. Nếu thấy mình đủ sức khỏe, sao không làm việc gì có ích cho xã hội, thay vì phải ngồi không trong khu nhà trọ?. Nếu có niềm tin, chúng ta sẽ chiến thắng được tất cả, thay vì run sợ”, anh Sum nói.
Vượt qua nỗi đau, tiếp tục bám trụ
Những ngày qua, nhìn những dòng người hối hả về quê, chị Lâm Thị Tiểu Linh, quê tỉnh Sóc Trăng, hiện ở trọ tại đường Bình Hòa 19, khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa, TP.Thuận An cũng nôn nao muốn chạy về quê thăm con sau nhiều tháng không gặp cho đỡ nhớ. Tuy nhiên, chị Linh cho biết, bản thân đã quá đau khổ vì dịch bệnh gây ra nên không thể mắc thêm sai lầm vì dịch bệnh.
“Qua nắm thông tin, chúng tôi biết được đầu tuần tới có rất nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động trở lại. Chủ nhật tuần này, trung tâm sẽ tổ chức chia tay 100 bạn thanh niên công nhân đã gắn bó với trung tâm xông pha tuyến đầu sau đúng 2 tháng phòng, chống dịch bệnh cao điểm. Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp của các bạn cho tỉnh nhà, cũng như tiếp tục kêu gọi công nhân không về quê, ở lại làm việc trong những ngày tới”. (Ông Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh) |
Nhắc đến hai từ về quê, gần gia đình, gần con, chị đã không cầm được nước mắt. Bởi lúc này, trong căn nhà trọ nơi chị đang sống đã vắng tiếng cười nói và hơi ấm của chồng; hạnh phúc bao năm cũng đã tan biến trong đại dịch. Trong những ngày cao điểm dịch bệnh, anh L.G, chồng chị không may mắc phải dịch bệnh khi đang làm việc tại công ty và qua đời. Một thân một mình trong nhiều ngày qua, dù rất buồn đau, nhưng người phụ nữ ấy vẫn cân nhắc thận trọng chuyện về quê. Chị tâm sự: “Con em ở với bà ngoại. Nay chỉ còn một mình, em là chỗ dựa của con. Mất chồng nhưng em còn công việc. Lúc biết chồng em qua đời, công ty em và công ty chồng đều gọi điện thăm hỏi, động viên. Chính quyền địa phương cũng quan tâm, giải quyết tiền hỗ trợ cho người chết vì Covid-19 và các khoản hỗ trợ khác, em thấy cũng đỡ tủi thân”.
Chị Linh chia sẻ, mấy ngày trước, khi thấy bà con ngược xuôi về quê, chị gọi về cho mẹ thì được biết địa phương bắt buộc người về quê phải cách ly tập trung, các khu cách ly tại đây tạm bợ, rất dễ lây nhiễm chéo dịch bệnh. Nhiều người bạn về đến quê cũng gọi lên nói rằng nếu muốn về hãy chờ tiêm đủ vắc xin và khi nào ổn rồi về. “Ai cũng muốn về quê, có người thì khó khăn thật sự, có người muốn về thăm gia đình sau nhiều tháng phải giam mình trong căn nhà trọ, con hẻm bị cách ly rất ngột ngạt. Nhưng từ nỗi đau của chính mình, tôi khuyên mọi người nếu còn trụ lại được thì không nên về quê lúc này. Đừng để rồi phải hối hận, khi mang dịch bệnh về nhà, lây cho bạn bè, người thân. Tuần sau là rất nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, công ty mình cũng vậy. Cố lên thôi mọi người ạ!”, chị Linh nói.
Trong đợt dịch thứ 4 này, nhiều công nhân lao động gặp phải khó khăn chung là phải tạm ngừng việc, không có thu nhập. Cũng có người không thể trụ vững do không có tiền thuê trọ, họ phải tạm lánh về quê một thời gian rồi quay lại làm việc... nhưng qua những lời tâm sự của chị Lâm Thị Tiểu Linh thì chuyện về quê lúc này thật sự là không ổn, nên cân nhắc.
QUANG TÁM