Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tản g số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp th âm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Hiện Bình Dương đang chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển thương mại điện tử.
Ưu tiên phát triển
Thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động phát triển thương mại điện tử (TMĐT), hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bắt kịp xu hướng kinh doanh mới, nhất là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Ông Nguyễn Thái Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thực phẩm T.P Food, chia sẻ: “Cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại trong dây chuyền sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, công ty chủ động tìm kiếm khách hàng bằng cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, góp phần mở rộng thị trường, tạo các mối quan hệ kinh doanh chiến lược với đối tác”.
TMĐT đã và đang trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của Bình Dương. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 81.177 tỷ đồng. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng TMĐT bình quân của tỉnh là 8%. Bình Dương đứng thứ ba trong bảng xếp hạng Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2024 với 51,3 điểm. Trên trang TMĐT “Binhduongtrande. vn” hiện có 544 DN và 2.990 sản phẩm tham gia giao dịch.
Nhân viên ngành ngân hàng hướng dẫn các hộ kinh doanh sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, mặc dù thị trường TMĐT đang phát triển khá nhanh nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, quy mô phát triển giữa các địa phương chưa đồng đều, việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch TMĐT vẫn khá phổ biến, sự cạnh tranh không cân sức giữa các sàn TMĐT trong nước với sàn nước ngoài, niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao. Bên cạnh đó, hoạt động giao nhận, an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các DN. Những khó khăn này đòi hỏi sự đồng hành của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, để cùng tìm giải pháp phát triển cho các DN, đặc biệt là các DN đang trong quá trình chuyển đổi.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Tham luận tại hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế số và xã hội số trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Bình Dương”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện Bình Dương có kinh tế số (KTS) lõi là 7,41%, KTS ngành 3,92%, tỷ trọng KTS trong GRDP đạt 11,34%, xếp hạng KTS trong cả nước đứng thứ 14, trong vùng đứng thứ 12. Trên nền tảng xã hội số của Bình Dương, 92% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 86,3% hộ gia đình phủ mạng internet băng rộng, 3,1 triệu tài khoản ngân hàng, 73.304 chữ ký số, 4.500 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, 266 điểm truy cập wifi công cộng.
PGS.TS Tạ Văn Lợi, trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Bình Dương cần xây dựng môi trường số cho TMĐT cấp tỉnh, phát triển đa dạng các loại hình TMĐT, bảo đảm phòng chống gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng. Đồng thời, Bình Dương cần triển khai các giải pháp như thu hút và tăng cường đầu tư hạ tầng số, đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài về KTS và TMĐT... |
Để thúc đẩy chuyển đổi số, trong thời gian tới Bình Dương sẽ hỗ trợ phát triển DN công nghệ số với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ hiện đại, hình thành các DN số có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển chính quyền số, KTS. Song song đó, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin nhằm đóng góp quan trọng vào phát triển KTS và tăng trưởng GRDP của tỉnh, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Đông Nam bộ.
Đến năm 2025, Bình Dương phấn đấu tỷ trọng KTS chiếm 20%, đến năm 2030 đạt 30% GRDP của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các DN khởi nghiệp đăng ký mới trong lĩnh vực công nghệ cung cấp các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm cân bằng giữa khu vực thành thị và nông thôn, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Các DN nhỏ và vừa được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tư vấn về chuyển đổi số sẽ thực hiện chuyển đổi số thành công theo kế hoạch.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển DN công nghệ số, phát triển hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ, nhân lực công nghệ số… Bình Dương hiện đang tăng cường các hoạt động thúc đẩy KTS như khuyến khích người dân đưa hàng hóa lên sàn TMĐT, hướng dẫn các cửa hàng, tiểu thương thanh toán QR Code, triển khai nhiều tuyến phố thanh toán không tiền mặt để tạo thói quen mới cho người dân.
PHƯƠNG LÊ