| 05-01-2023 | 14:33:21

Tán thành điều chỉnh dự toán 95 dự án của Tổng cục Thuế và Hải quan

Kỳ họp bất thường Quốc hội lần thứ 2.

Báo cáo tại Kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra ngày 5/1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng do Chính phủ trình điều chỉnh vốn quá chậm, đến thời điểm trình Quốc hội quyết định là tháng 1/2023 thì đã hết năm ngân sách 2022. Việc giải ngân nguồn vốn này chỉ thực hiện được từ năm 2023.

Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023 là cần thiết.

Nhu cầu vốn rất lớn

Làm rõ hơn về nội dung điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là hai đơn vị thuộc Bộ Tài chính được thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 1094 quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí khoán cho chi đầu tư xây dựng tối thiểu là 10%.

Song thực tế, nguồn vốn đầu tư công bố trí trong giai đoạn 2016-2020 cho hai đơn vị trên không đảm bảo và theo tỷ lệ quy định 10% nêu trên, trong đó số đã giao cho Tổng cục thuế chỉ đạt 2,4%, Tổng cục Hải quan chỉ đạt 7,1% số kinh phí được hưởng theo cơ chế, nên các dự án đầu tư xây dựng của 2 cơ quan này không có nguồn triển khai, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, nhu cầu vốn để bố trí cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp và các dự án cần thiết, cấp bách của Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 2021-2025 là rất lớn. Nhu cầu vốn cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp khoảng 2.000 tỷ đồng.

“Đây là các dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được cân đối bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách để thực hiện,” ông Phớc thông tin.

Vì vậy, trong điều kiện khó khăn về thu xếp, bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng của 2 Tổng cục, Chính phủ trình Quốc hội giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng (trong đó, của Tổng cục thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng).

Cùng đó, tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính (trong đó, Tổng cục thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng). Đồng thời, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của hai cơ quan trên, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024...

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước là đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc kịp thời trình Quốc hội, tránh tình trạng quá chậm làm ảnh hưởng đến quy trình thẩm tra, xem xét, thông qua, đặc biệt làm chậm tiến độ triển khai thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Ông cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân đồng ý với đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh 2.268,3 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2021 sang dự toán chi đầu tư phát triển nhằm thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Dẫn quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13và Nghị quyết số 129/2020/QH14, theo ông Cường, trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì hiện nay có đủ căn cứ pháp lý để Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục được hưởng cơ chế tài chính đặc thù.

“Trong điều kiện các dự án đầu tư của Bộ Tài chính đang thiếu vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, việc điều chỉnh, bố trí vốn để thực hiện các dự án của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là cần thiết,” Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.

Tuy nhiên, do Chính phủ trình điều chỉnh vốn quá chậm, đến thời điểm trình Quốc hội quyết định là tháng 1/2023 thì đã hết năm ngân sách 2022. Việc giải ngân nguồn vốn này chỉ thực hiện được từ năm 2023.

Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023 là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi trong giải ngân vốn đối với các dự án khởi công mới vào năm 2023, có thể cho phép quy định thời hạn giải ngân chậm nhất vào ngày 31/12/2024.

“Đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án đầu tư công được sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, đủ thủ tục theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm hiệu quả thực tế,” ông nói.

14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vay

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tại Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022, Quốc hội đã quyết nghị tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 là 28.636,7 tỷ đồng. Trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng (dự toán vay chi tiết theo từng địa phương).

Trong quá trình thực hiện, tính đến ngày 31/8/2022, có 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 1 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về thu chi ngân sách.

Cụ thể, 7 địa phương, gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng là 226 tỷ đồng.

Ngoài ra, 7 địa phương, gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa  đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 1.547,8 tỷ đồng và 1 địa phương (tỉnh Bắc Kạn) đề nghị trả nợ vay lại trước hạn 33,7 tỷ đồng.

“Do tổng số dự toán vay lại các địa phương không sử dụng hết và số đề nghị trả nợ trước hạn là lớn hơn số đề nghị tăng vay lại của các địa phương, nên việc điều chỉnh số vay, trả nợ năm 2022 của các địa phương như trên không làm tăng tổng mức vay và mức bội chi của ngân sách địa phương so với hạn mức đã được Quốc hội cho phép,” ông Phớc nhấn mạnh.

Cụ thể, dự toán vay của các địa phương sẽ là 27.314,9 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương sẽ là 23.842,7 tỷ đồng, giảm 1.339,1 tỷ đồng so với hạn mức Quốc hội đã quyết định, và không địa phương nào vượt hạn mức dư nợ cho phép theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trên nguyên tắc đảm bảo tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, đồng thời dư nợ của từng địa phương trong hạn mức theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng được tối đa nguồn vốn ngấn sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng.

Cụ thể: Bắc Kạn tăng 33,7 tỷ đồng, Phú Thọ tăng 7,3 tỷ đồng, Yên Bái tăng 55,7 tỷ đồng, Hải Dương tăng 83,8 tỷ đồng, Hải Phòng tăng 20,2 tỷ đồng, Nam Định tăng 22,1 tỷ đồng, Bắc Giang tăng 3,2 tỷ đồng.

Cùng đó, tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn bố trí nguồn trả nợ trước hạn phù hợp với quy định.

Chính phủ cũng đề xuất chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt, đồng thời giao Ủy ban Nhân dân 7 tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 nêu trên cam kết giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí./.

Theo TTXVN

Chia sẻ