Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 2: Bảo tồn bằng cách... tân trang!
Thấy được giá trị lịch sử, ý nghĩa giáo dục của ngôi đình nên UBND tỉnh, các ngành hữu quan đã không do dự, sẵn sàng duyệt cấp hàng trăm triệu đồng cho việc trùng tu, bảo tồn di tích đình Phú Cường. Nhưng thay vì trùng tu thì những người được giao nhiệm vụ đã quá nhiệt tình “gắn” vào không gian kiến trúc nhiều chi tiết mới theo kiểu “tân trang”. Còn những hạng mục đang xuống cấp, cần đầu tư lại không được quan tâm?
Trùng tu sao làm mới?
Ngồi trong gian nhà nhỏ phía trước nhìn vào sân đình, ông từ Nguyễn Văn Xe lắc đầu ngao ngán nói: “Đầu tư kiểu này là làm mới chứ đâu phải trùng tu. Do kinh phí ở trên cấp nên Ban nghi lễ không dám góp ý nhiều mà chỉ nhắc nhở rằng, các anh làm như vầy là không đúng mục đích yêu cầu, đến khi nghiệm thu chúng tôi sẽ không ký. Lúc mình lên tiếng thì các anh dừng chỗ đó nhưng làm chỗ khác cũng y hệt, trong khi những cái bức thiết cần đầu tư thì không được đáp ứng”.
Đưa chúng tôi vào khu vực công trường, 2 vị trong Ban nghi lễ lần lượt giới thiệu. Cách đây vài năm chúng tôi có đón đoàn khách du lịch Nga đến tham quan, qua người phiên dịch chúng tôi được biết những người trong đoàn là con cháu của một người lính viễn chinh Pháp vốn là Thái tử Nga lúc đó. Do đọc trong hồi ký của ông mình, thấy mô tả Đình Bà Lụa quá đẹp nên nhân chuyến du lịch Việt Nam đoàn đã tìm đến để được xem tận mắt. Một người cháu của ông Sáu Sang, Trưởng ban Nghi lễ đình thần Phú Hòa là Việt kiều có lần về nước đã khoe tấm ảnh chụp nguyên bản Đình Bà Lụa được trưng bày tại Pháp. Trở lại việc trùng tu hiện nay thì, trước đó trên mái ngói có một vài cây rui, mè, tấm ngói bị mục, bể nên thấm, dột, nhiều đồ thờ cúng bị hư, mất, không còn sử dụng được, chúng tôi đã báo cáo địa phương và đề nghị sửa chữa, đầu tư mới vì kinh phí quá lớn. Ở trên có xuống khảo sát để sau đó tiến hành trùng tu. Ngày khởi công có mời Ban nghi lễ đến để thông báo, nhưng làm các hạng mục gì thì không công khai để chúng tôi biết mà giám sát hoặc tham gia, góp ý, nên mới xảy ra chuyện hư ít làm nhiều, hao tốn tiền của Nhà nước. Cụ thể mái ngói chỉ có một vài điểm hư, dột thì họ lại tháo hết xuống, đem ngói cũ chất cả đống phía sau rồi lợp ngói mới tinh lên trên giống như làm nhà mới. Tưởng đâu lợp ngói mới tốt hơn dè đâu đứng dưới nhìn lên thì thấy mây trời hết, chắc chắn mưa sẽ dột nhiều hơn khi chưa làm, bởi vì tấm ngói mới ngắn hơn ngói cũ, cây rui mới cũng to hơn cây rui cũ dẫn đến sai ni, không khớp nhau. Trước sân đình trước đây không có rồng chầu, nhưng giờ lại đắp thêm cặp rồng nhìn thì đẹp nhưng tốn tiền quá, trong khi nhiều thứ khác đang bị xuống cấp cần được đầu tư như tráp đựng sắc phong, đồ thờ cúng, nhà khách, cổng Đông Lang - Tây Lang, miếu Thần Nông; tả hữu hộ vệ... Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lại không được quan tâm. Còn bờ kè ngoài bến đình tuy có cần nhưng không yêu cầu quy mô quá lớn như vậy mà chủ ý là để chống sạt lở, tạo cảnh quan, thuận lợi cho khách tham quan và tổ chức lễ hội, chứ làm lớn, hoành tráng thế này là tân trang chứ đâu phải trùng tu di tích!
Tiếng nói nhà quản lý
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trùng tu hay làm mới di tích lịch sử Đình Bà Lụa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Lê Thuần cho biết: “Trong đợt khảo sát trước đó tôi đã chỉ đạo cụ thể cho Phòng Văn hóa TX.TDM (đơn vị trực tiếp quản lý di tích lịch sử trên địa bàn thị xã theo phân cấp) là dỡ hết mái ngói để thay những cây rui, mè cũ mục, rồi dồn lại lợp mái trước trước, lợp mái sau sau. Khi nào thiếu sẽ dùng ngói mới để bổ sung phía sau thì đúng ý nghĩa, quy định trùng tu. Với di tích lịch sử đâu phải có điều kiện, muốn làm thế nào cũng được”. Còn ông Đào Hữu Gia, Trưởng phòng Văn hóa TX.TDM thì khẳng định: “Các di tích lịch sử trên địa bàn được khảo sát, bảo tồn, chống xuống cấp, mối mọt mỗi năm 2 lần theo đúng quy định và rất công khai, dân chủ như kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát trên cơ sở kiến nghị của Ban nghi lễ hoặc người dân địa phương, sau đó phối hợp với Ban Quản lý Di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét chọn hồ sơ, phương án tư vấn, thiết kế và công khai cho người dân, nơi di tích tọa lạc được biết để theo dõi, góp ý, giám sát, trên cơ sở không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu hiện hữu...”. Chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao những ý kiến đề đạt của Ban nghi lễ lại không được tiếp thu, còn những hạng mục mới ngoài mong đợi như đắp rồng, thay ngói, làm bờ kè thì quy mô quá lớn thì vẫn cứ làm? Ông Gia trả lời: “Làm như vậy thì quá nhỏ lẻ mà phải qua nhiều bước xét duyệt, cấp kinh phí thì mất rất nhiều thời gian, nên phải tính thêm cho phù hợp tính chất của một dự án. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và có trả lời cụ thể sau”.
Tham khảo ý kiến địa phương về quy chế công khai, dân chủ trong việc đầu tư, bảo tồn di tích lịch sử, chúng tôi được bà Nguyễn Anh Quyên, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ (TX.TDM) nơi ngôi đình tọa lạc thì được biết: “Khảo sát trước đó có mời địa phương đi cùng, nhưng có làm biên bản nêu các hạng mục cần đầu tư hay không thì không nghe nói. Vì nếu có thì UBND phường phải ký xác nhận. Sau này khi nhà báo đến ghi nhận, phỏng vấn thì ngành chức năng có cử đoàn xuống kết hợp địa phương khảo sát và đúng là có những điểm chưa phù hợp. Ý kiến cá nhân tôi trong việc trùng tu di tích lịch sử mà làm như thế là chưa phù hợp”.
Để bảo tồn giá trị văn hóa
Trao đổi về việc làm mới một vài hạng mục tại di tích này, hội viên danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Đoàn Nam Sinh cho biết: “Theo quy định của xã hội phong kiến thì chỉ có đình do triều đình hoặc các vương phi, hoàng tộc bỏ tiền quốc gia ra xây dựng mới được đắp rồng làm biểu tượng của triều đình. Còn đình làng bắt nguồn từ văn hóa rừng, nên thường có chung kiểu kiến trúc và thờ các linh vật như chim hạc, rùa (quy), hổ, nghê... Sau này có tiền người ta hay làm thêm cho đẹp, nhưng với di tích lịch sử mà thêm thắt là không phù hợp với nguyên bản và ý nghĩa bảo tồn”. Còn thạc sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Dương thì đưa ra một ví dụ rất sinh động: “Việc trùng tu tháp Chăm bằng cách đưa bê-tông cốt thép vào thời gian qua đã vấp phải sự không đồng tình của dư luận và các nhà khoa học, nên gần đây có một nghệ nhân đã phục chế được cách làm gạch để xây tháp mà không sử dụng vữa hồ, phải mài để gắn từng viên gạch vào. Tuy là vật liệu mới, hiện đại nhưng phù hợp với cách làm của cha ông trước đây đã khiến việc trùng tu, phục chế thuận lợi hơn và không làm thay đổi kiến trúc, nên đã được sự đồng tình rất cao từ phía dư luận”...
Việc trùng tu di tích lịch sử bằng cách làm mới, hiện đại đúng hay sai đã có Luật Di sản điều chỉnh, nên không cần phải bàn thêm. Nhiệm vụ của chúng ta là gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà cha ông đã tạo dựng. Lưu giữ, đặc biệt là trong quá trình giao lưu, hội nhập sâu rộng với quốc tế đòi hỏi chúng ta phải có một bản sắc văn hóa thuần túy để không bị hòa tan trong vòng xoáy đa văn hóa hiện nay.
DUY CHÍ