| 15-07-2023 | 10:25:40

Tăng cường kết nối, đối thoại để hạn chế ảnh hưởng đến lao động, sản xuất

Với một tỉnh có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) như Bình Dương, đặc biệt là trong giai đoạn một số ngành hàng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như hiện nay, khó tránh khỏi xảy ra một vài vụ tranh chấp giữa người lao động (NLĐ) với chủ DN về các chế độ lương, thưởng, việc làm. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, xuyên suốt, tăng cường kết nối, đối thoại giữa các cấp Công đoàn với NLĐ, DN, nên mọi việc đều được xử lý một cách nhanh chóng, không để ảnh hưởng đến lao động, sản xuất.


Thời gian qua, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh thường xuyên có các hoạt động chăm lo cho những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong ảnh: Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho công nhân Công ty TNHH Giày Chí Hùng (TP.Tân Uyên) nhân Tháng Công nhân 2023

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Mới đây, nhiều công nhân Công ty G.R.F (phường Uyên Hưng, TP.Tân Uyên) nghỉ việc, phản đối việc công ty cắt thưởng lương tháng 13 xuống còn 50% trong năm 2023. Lý do công ty đưa ra là trong những tháng gần đây công ty thiếu đơn hàng sản xuất, nên DN liên tục bị thua lỗ phải cắt bớt các khoản chi. Về phía NLĐ, họ cho rằng tất cả công nhân trong công ty đã nỗ lực làm việc hơn nửa năm qua; đặc biệt trong bối cảnh vật giá đắt đỏ như hiện nay, đời sống gặp nhiều khó khăn, NLĐ chỉ trông chờ vào lương tháng 13 để xoay sở. Nếu trong năm 2024, công ty còn gặp khó khăn thì việc cắt giảm tiền thưởng phải được thông báo trước...

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cán bộ Công đoàn tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan trực tiếp xuống công ty cùng với công nhân đối thoại, thương thuyết với DN, giải quyết thấu tình, đạt lý. Qua đó, toàn bộ công nhân đã quay lại làm việc, lương, thưởng trong năm 2023 giữ nguyên như cũ.

Bên cạnh giải quyết lợi ích hài hòa giữa NLĐ với DN, thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh phối hợp rất tốt, linh động khi có công ty không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tuyên bố giải thể. Còn nhớ đầu năm 2021, sau những ngày nghỉ tết, hàng trăm công nhân Công ty TNHH D.S.F (KCN Rạch Bắp, TX.Bến Cát) quay lại làm việc thì hay tin DN tuyên bố giải thể. Trước đó, họ không được công ty thông báo về việc này nên hết sức hoang mang. Ngay lập tức, các cấp Công đoàn phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Bến Cát vào cuộc. Phía Công ty D.S.F sau đó thực hiện đúng hướng dẫn thủ tục pháp lý khi giải thể, trả lương đầy đủ cho NLĐ đúng theo hợp đồng lao động đã ký kết. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm công nhân đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh kết nối đến các DN trên địa bàn TX.Bến Cát làm việc, bảo đảm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tăng cường đối thoại, kết nối

Để hạn chế tối đa những vụ việc như trên, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh luôn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp chăm lo rất tốt đời sống NLĐ bằng nhiều hình thức. Không chỉ tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chăm lo từng chuyến xe, chuyến tàu với kinh phí hàng chục tỷ đồng/năm cho công nhân, các địa phương, đơn vị còn kết nối, thực hiện xuyên suốt bằng các nguồn quỹ để hỗ trợ cho NLĐ không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động; chăm lo chỗ ở bằng việc đã và đang cùng với các doanh nghiệp xây dựng hàng trăm ngàn căn nhà ở xã hội giá rẻ.

Cùng với đó, mỗi năm, LĐLĐ tỉnh vận động xây dựng nhiều căn nhà cho công nhân, tặng thẻ bảo hiểm y tế, chăm lo thường xuyên cho trẻ mồ côi là con em NLĐ; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tuyển dụng, bố trí việc làm. Đơn vị còn phối hợp với công an, chính quyền địa phương tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện chuyên đề với NLĐ tại khu nhà trọ, DN...

Đặc biệt, việc tăng cường đối thoại với NLĐ, DN luôn được các cấp Công đoàn quan tâm, thực hiện nhằm gắn kết NLĐ với DN để họ có chung tiếng nói, NLĐ yên tâm lao động sản xuất. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP.Dĩ An) chia sẻ: Hàng năm, theo sự chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, CĐCS công ty không chỉ tạo ra các phong trào, các mô hình để chăm lo tốt đời sống NLĐ về cả vật chất lẫn tinh thần, mà còn là cầu nối giữa chủ DN với NLĐ. Đặc biệt, lúc DN khó khăn, làm ăn thua lỗ, CĐCS phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NLĐ theo đúng quy định, nhưng cũng đồng hành với chủ DN vượt qua khó khăn trước mắt, cùng chia sẽ hài hòa lợi ích.

Qua ghi nhận, từ đầu năm 2023 đến nay, rất nhiều DN sản xuất trong ngành gỗ, may mặc, giày da trên địa bàn tỉnh gặp phải khó khăn về đơn hàng, dẫn đến việc phải hoạt động cầm chừng; có không ít DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Việc này có khả năng tiềm ẩn tranh chấp lao động trong thời gian tới. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Các cấp Công đoàn Bình Dương luôn chia sẻ, đồng hành cùng đoàn viên và NLĐ, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh rất mong đoàn viên, NLĐ cùng chia sẻ khó khăn với DN. DN có duy trì được sản xuất, kinh doanh thì NLĐ mới có việc làm, thu nhập ổn định. Khi gặp khó khăn, phát sinh vấn đề, DN nên chủ động đối thoại và thông tin sớm cho đoàn viên, NLĐ. Tổ chức Công đoàn luôn sẵn sàng làm cầu nối để giúp NLĐ, DN xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định”.

“Các cấp Công đoàn Bình Dương luôn chia sẻ, đồng hành cùng đoàn viên và NLĐ, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh rất mong đoàn viên, NLĐ cùng chia sẻ khó khăn với DN. DN có duy trì được sản xuất, kinh doanh thì NLĐ mới có việc làm, thu nhập ổn định. Khi gặp khó khăn, phát sinh vấn đề, DN nên chủ động đối thoại và thông tin sớm cho đoàn viên, NLĐ. Tổ chức Công đoàn luôn sẵn sàng làm cầu nối để giúp NLĐ, DN xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định”.

(Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)

QUANG TÁM

Chia sẻ