Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhận thức rõ vai trò của đa dạng sinh học đối với bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ động vật hoang dã, cũng như góp phần kéo giảm số vụ vi phạm tàng trữ, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp nhận động vật hoang dã do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp
Tiếp nhận nhiều cá thể, động vật hoang dã
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận nhiều cá thể động vật hoang dã được người dân tự nguyện bàn giao cho cơ quan kiểm lâm đưa về cứu hộ, chăm sóc, sau đó thả lại về môi trường tự nhiên. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng tiếp nhận 46 cá thể nhóm IB, IIB do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, gồm 3 cá thể tê tê, 1 cá thể khỉ mặt đỏ, 4 cá thể rùa răng, 2 cá thể khỉ đuôi dài, 6 cá thể khỉ đuôi lợn, 4 cá thể trăn đất, 1 cá thể rái cá, 1 cá thể vượn đen má hung, 2 cá thể mèo rừng, 2 cá thể chim lợn, 4 cá thể rùa núi vàng, 1 cá thể gấu ngựa, 1 cá thể diều lửa, 1 cá thể chồn bạc má, 6 cá thể kỳ đà vân, 7 cá thể rùa cổ sọc. Đặc biệt, trong số các cá thể có 7 xác động vật hoang dã được giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nằm phục vụ mục đích trưng bày, nghiên cứu và lưu trữ nguồn gien động vật.
Sau thời gian được cứu hộ, chăm sóc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR), Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai tổ chức thả 40 cá thể động vật quý, hiếm về môi trường tự nhiên.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Ông Nguyễn Văn Ớ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết bên cạnh kết quả đạt được, hiện vẫn còn một số khó khăn trong quá trình tiếp nhận và xử lý động vật hoang dã. Nguyên nhân khó khăn là do hiện nay chưa có phương tiện chuyên dụng hỗ trợ nên chi cục trưng dụng xe ô tô con để tiếp nhận động vật và bàn giao trực tiếp đến trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Trong quá trình di chuyển, mầm bệnh từ các loài động vật hoang dã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ tiếp nhận khi chở chung trên xe. Mặt khác, hoạt động nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam (loài ngoại lai) phục vụ thú chơi “sinh vật cảnh” của một bộ phận người dân đang gia tăng. Các hoạt động này không những tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đa dạng sinh học mà còn có thể lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Nhiều động vật hoang dã được thả về rừng
Để giải quyết những khó khăn nói trên, ông Nguyễn Văn Ớ cho rằng trong thời gian tới cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo để bố trí phương tiện chuyên dụng cho việc tiếp nhận động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ và xử lý kịp thời đối với các loài động vật ngoại lai được du nhập vào Việt Nam một cách có kiểm soát từ đầu vào nhằm hạn chế sự biến đổi gien và lây lan mầm bệnh của các giống loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên tại Việt Nam. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên trong công tác quản lý thực vật rừng, động vật rừng; các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hình sự, xử lý vi phạm hành chính, quản lý, thực thi pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/ CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm hành vi săn bắt chim, động vật hoang dã và khai thác thủy sản bằng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái pháp luật động vật hoang dã hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã.
THOẠI PHƯƠNG - XUÂN DIỆU