| 09-02-2023 | 09:08:14

Tăng hiệu quả khám, chữa bệnh khi ứng dụng công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin (CNTT) tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó đã tạo ra những đột phá lớn trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện tại, ngành y tế tỉnh chỉ đáp ứng một phần nhu cầu CNTT trong các lĩnh vực, trong khi thực tế khẳng định CNTT đã và đang mang lại nhiều sự chuyển biến đáng kể cho ngành chăm sóc sức khỏe.

 Phẫu thuật đục thủy tinh thể với hệ thống máy hiện đại tại Bệnh viện Quốc tế Becamex

 Ứng dụng face ID nhận diện người bệnh

Face ID là công nghệ bảo mật sinh trắc học. Với mong muốn chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn đã ứng dụng công nghệ Face ID nhận diện người bệnh. Theo đó, mỗi quầy tiếp nhận được trang bị 1 thiết bị camera, máy tính làm việc, thiết bị nhận diện Face ID. Dữ liệu khuôn mặt lần đầu chụp lại qua camera, khai báo thông tin cá nhân người bệnh sau đó lưu lại tại trung tâm. Người bệnh đăng ký khuôn mặt, khi tái khám nhìn vào thiết bị nhận diện Face ID hệ thống sẽ so sánh đối chiếu với dữ liệu máy chủ. Tại đây, máy chủ sẽ phát tín hiệu về phần mềm HIS giúp nhận diện khuôn mặt đơn giản, nhanh chóng. Ứng dụng Face ID giúp giảm thời gian nhận diện từ 90 giây còn 3 giây, tỷ lệ hài lòng người bệnh đạt 98%, nhân viên y tế không phải hỏi người bệnh nhiều lần.

Bác sĩ Huỳnh Thị Kim Anh, thành viên nhóm cải tiến hệ thống, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, nhận diện người bệnh là tiêu chuẩn bắt buộc phải thực hiện nhằm xác nhận và khẳng định đúng người bệnh, đúng loại dịch vụ sẽ cung cấp cho người bệnh trước khi tiến hành các dịch vụ chẩn đoán điều trị, chăm sóc, phẫu thuật, thủ thuật. Để tránh người bệnh phải lặp đi lặp lại nhiều lần để đối chiếu hồ sơ khám bệnh, giấy tờ tùy thân, bắt đầu từ năm 2021, bệnh viện đưa vào vận hành quy trình nhận diện khuôn mặt người bệnh qua ứng dụng face ID tại khoa khám bệnh quốc tế. Thống kê trong 6 tháng cuối năm 2022, bệnh viện đã triển khai ứng dụng face ID nhận diện người bệnh cho 16.344 lượt người bệnh. Dựa trên kết quả triển khai thực nghiệm, bệnh viện khuyến cáo nên triển khai quy trình nhận diện face ID cho những bệnh nhân thường xuyên tái khám, người bệnh mãn tính, người khám thẻ bảo hiểm y tế… Điều này sẽ giúp nhân viên y tế nhanh chóng nhận diện chính xác người bệnh và rút ngắn thời gian chờ đợi.

Ngoài ứng dụng face ID nhận diện người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn còn ứng dụng CNTT trong quản lý điều dưỡng. Trước đây, để có số liệu giao ban vào mỗi buổi sáng, điều dưỡng trực sẽ liên hệ các khoa lấy số liệu, sau đó tổng hợp, báo cáo giao ban với ban giám đốc. Những công việc này còn phải nhập thủ công nên chiếm rất nhiều thời gian. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều dưỡng đã giảm thời gian của điều dưỡng trực. Điều dưỡng Lê Thị Nhung, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Qua khảo sát 18 điều dưỡng quản lý về tình hình hữu ích của phần mềm, kết quả 100% điều dưỡng, quản lý hài lòng ở mức độ cao. Đối với điều dưỡng, ứng dụng CNTT là bước tiến quan trọng để tinh giản được thời gian thực hiện các công việc hành chính, do đó có thời gian dành cho người bệnh. Dự án mang lại giá trị thiết thực, tiếp thêm động lực làm việc cho điều dưỡng và nâng tầm chất lượng điều dưỡng bệnh viện”.

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Hiện việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế gần như là điều bắt buộc để tiến tới xây dựng nền y tế thông minh. Tất cả đơn vị y tế tuyến tỉnh đều đã trang bị hạ tầng CNTT ở mức cơ bản cũng như các ứng dụng phần mềm trong quản lý nhân lực, quản lý tài sản, phần mềm kế toán, phần mềm khám, chữa bệnh, quản lý các bệnh truyền nhiễm...

Y tế điện tử là việc ứng dụng CNTT - truyền thông vào việc chăm sóc sức khỏe với 5 hạng mục bao gồm: Điều trị, đào tạo, nghiên cứu, theo dõi dịch bệnh và giám sát y tế cộng đồng. Khái niệm “Y tế thông minh” hay “Smart health” là sử dụng công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tăng tự động hóa trong các hoạt động y tế, nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế).

Hiện tại ngành y tế tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu CNTT trong các lĩnh vực quản lý nhân sự, dược, trang thiết bị... Tại các đơn vị y tế dự phòng, mức độ áp dụng CNTT để thu thập, phân tích, theo dõi và cảnh báo dịch bệnh, quản lý vệ sinh lao động, y tế học đường, vệ sinh môi trường còn thấp... Khảo sát hạ tầng kỹ thuật CNTT tại một số đơn vị y tế công lập cho thấy các đơn vị mới đáp ứng ở mức cơ bản. Phần mềm, cơ sở dữ liệu, định dạng dữ liệu... chưa hoàn toàn đồng nhất giữa các đơn vị và hầu hết chưa đáp ứng các quy định chuẩn. Trong khi đó, việc quản lý trạm y tế xã còn nhiều phần mềm riêng lẻ, chưa bao phủ toàn bộ nghiệp vụ, chưa liên thông lên tuyến trên. Việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân chưa được thực hiện đồng bộ.

Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, trừ một số đơn vị có hạ tầng kỹ thuật CNTT đáp ứng yêu cầu, còn lại vẫn chưa tạo dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến hồ sơ bệnh án điện tử như LIS, PACS... Vấn đề PACS còn liên quan đến hạ tầng CNTT, đường truyền... do đó việc thực hiện truyền tải dữ liệu không dễ. Trong khi đó, ở lĩnh vực dự phòng, hiện các đơn vị vẫn chưa áp dụng CNTT trong theo dõi, thu thập, phân tích và cảnh báo dịch bệnh. Việc quản lý vệ sinh lao động, y tế học đường, vệ sinh môi trường... vẫn còn dừng ở mức cơ bản nhất.

 HOÀNG LINH  

Chia sẻ