| 19-08-2024 | 08:28:19

Tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới

 Được tái lập từ ngày 20- 8-1999, qua một phần tư thế kỷ kiến tạo và phát triển, huyện Phú Giáo đã xây dựng một bức tranh tươi đẹp trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sự phát triển hài hòa giữa các ngành nghề, lĩnh vực đã tạo nên một bức tranh đa dạng và năng động cho kinh tế địa phương.

 Trải qua 25 năm phát triển, huyện Phú Giáo ngày càng giàu đẹp. Trong ảnh: Trung tâm thị trấn Phước Vĩnh nhìn từ trên cao

 Đầu tư hạ tầng bài bản

Người dân huyện Phú Giáo luôn tự hào về sự nghiệp đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh trên quê hương Phước Thành năm xưa. Càng tự hào hơn khi người dân nơi đây luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực xây dựng đưa huyện PhúGiáo ngày càng phát triển.

Những ngày đầu tái lập, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển của huyện Phú Giáo còn nhiều hạn chế. Dù là huyện thuần nông nhưng lĩnh vực nông nghiệp lúc đó chủ yếu là trồng cây ngắn ngày, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, số hộ sử dụng điện thấp, hệ thống giao thông chưa phát triển…

Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết thành quả địa phương có được như ngày hôm nay là kết tinh của ý chí, trí tuệ và sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà. Huyện Phú Giáo quyết tâm thực hiện đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra; xây dựng Phú Giáo thành huyện nông thôn mới có nền nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế phát triển bền vững, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Xác định được những khó khăn trước mắt, huyện đã tập trung triển khai thực hiện, phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống nước sạch… đểphục vụ đời sống nhân dân. Cùng với đó, huyện quy hoạch nội ô thị trấn Phước Vĩnh, tạo tiền đề đểxây dựng trung tâm hành chính huyện. Điều ấn tượng là mỗi công trình xây dựng phải giải tỏa đền bù nhưng người dân đều chấp thuận, thực hiện di dời theo đúng chủ trương của huyện. Cùng với đó, huyện chú trọng mở rộng và nâng cấp các tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển kinh tế.

Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết đến nay cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Hệ thống đường giao thông quan trọng được đầu tư nhựa hóa 100%, hệ thống đường nội đồng, đường xóm, ấp được đầu tư cứng hóa. Hiện Phú Giáo đang triển khai thi công 2 dự án thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, gồm dự án xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú và dự án xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến huyện Bàu Bàng với tổng chiều dài 29,78km. Các công trình này góp phần đểhuyện hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.

Ông Đoàn Văn Đồng cho biết thêm, khi mới tái lập, trên địa bàn huyện chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện có 822 hộ/cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 1.500 ha. Huyện ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị và tính cạnh tranh cao.

 Tăng sức hút đầu tư

Huyện Phú Giáo xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như năm 1999, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện chưa phát triển thì đến nay huyện đã có Cụm công nghiệp Tam Lập 1 đi vào hoạt động, Cụm công nghiệp Tam Lập 2 đang triển khai thực hiện, Khu công nghiệp Vĩnh Lập có diện tích 750 ha đã được phê duyệt.

Đến nay, toàn huyện có trên 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút khoảng 4.000 lao động. Theo phương án quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phú Giáo sẽ có 18 cụm công nghiệp và 4 khu công nghiệp. Nhằm thu hút các nhà đầu tư, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện tập trung trên trục đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Phú Giáo - Đồng Phú, vừa góp phần giải quyết việc làm, vừa nâng cao mức sống của người dân.

Huyện cũng xác định, bên cạnh lĩnh vực công nghiệp, địa phương chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ. Đến nay, hệ thống thương mại, dịch vụ của huyện ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Mục tiêu tổng quát mà huyện Phú Giáo đặt ra là phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển đô thị, dịch vụ và các khu dân cư theo quy hoạch. Với những lợi thế về nông nghiệp cũng như tiềm năng phát triển về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, huyện Phú Giáo đang trở thành một một ngành hấp dẫn các nhà đầu tư.

 Khi mới tái lập, huyện Phú Giáo có 1 thị trấn và 8 xã. Năm 2005, huyện thành lập thêm 2 xã mới (xã An Thái tách ra từ xã An Linh và xã Tam Lập tách ra từ xã Vĩnh Hòa). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nếu như năm 1999 tỷ trọng ngành nông nghiệp của huyện là 72,5% thì đến năm 2024 còn 36,2%; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 14,7% lên 34,5%; thương mại - dịch vụ tăng từ 12,8% lên 29,3%.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ