Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
UBND tỉnh đặt ra mục tiêu hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu Covid-19. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định tinh thần đó, lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định năm 2023, các sở, ngành tập trung xác định và tổ chức triển khai các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc thuộc ngành, lĩnh vực của mình. Các địa phương tổ chức triển khai các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn địa phương.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hạn chế lớn hiện nay là sự khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý, bao gồm cả việc thiếu vắng những quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ… Những khó khăn đó đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ. Hiện tốc độ lan tỏa công nghệ không đều nhau giữa những doanh nghiệp tiên phong với những doanh nghiệp đi sau cũng làm gia tăng thêm khoảng cách công nghệ.
Từ thực tiễn này, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất.
Trong bối cảnh công nghệ hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực, cần phải có lực lượng lao động thành thạo công nghệ, để làm được điều đó cần phải đào tạo và đào tạo lại. Bên cạnh đó, cần khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ. Tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hóa các quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý và tạo thuận lợi cho thương mại số.
KHẢI ANH