Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Với sự hỗ trợ của các ngành, các doanh nghiệp (DN) đang nhanh chóng khôi phục lại hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trực tiếp để tăng hiệu quả kết nối, góp phần vượt qua thách thức, phục hồi và có những hướng đi phù hợp với thực tế.
Triển lãm mang tính quốc tế vừa diễn ra tại thành phố mới Bình Dương với sự tham gia của 250 gian hàng đến từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước
Kết nối doanh nghiệp
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội cũng là thách thức, yêu cầu các DN phải không ngừng cải tiến, đổi mới, sáng tạo, tăng cường hợp tác giao thương. Thêm vào đó, sau dịch bệnh Covid-19, DN muốn đẩy nhanh quá trình phục hồi đòi hỏi phải tự nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tiết kiệm nhân lực, năng lượng, chi phí. Các sự kiện mang tính B2B được Sở Công thương phối hợp với các đơn vị tổ chức tạo ra một kênh quảng bá thương hiệu uy tín để từ đó các DN bắt tay hợp tác cùng phát triển.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, một trong những giải pháp ngành đang đẩy mạnh là tăng cường kết nối giao thương theo hình thức B2B nhằm xây dựng chuỗi liên kết giữa các DN, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. B2B là viết tắt của cụm từ “Business To Business”, được dùng để chỉ hình thức kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa DN và DN. Có thể hiểu đơn giản B2B là một DN cung cấp những thứ mà DN khác cần. Qua đó, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và gia tăng cơ hội hợp tác giữa các DN.
Chính những nỗ lực của các ngành chức năng đã tạo cơ hội cho các DN kết nối với nhau, mở ra những cơ hội kết nối và phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa, không chỉ cho các DN tại Bình Dương. Ông Dev P.Goel, Giám đốc điều hành Tập đoàn Madhu, Ấn Độ, bày tỏ: “Tôi rất vui khi được cùng với các DN Ấn Độ tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại tại Bình Dương. Chúng tôi được tham quan tìm hiểu môi trường sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP, gặp gỡ trao đổi trực tiếp với DN ngành gỗ, dệt may, cơ điện, da giày. Tôi đánh giá cao tinh thần nỗ lực đổi mới, sáng tạo của các DN Bình Dương. Chúng tôi đã tìm thấy cơ hội hợp tác và hy vọng sẽ triển khai thành công với các DN ở Bình Dương trong thời gian tới”.
Giải pháp vượt khó
Theo đánh giá của các DN, trong hội nghị kết nối giao thương trực tiếp phạm vi tìm kiếm đối tác, nhà phân phối rộng hơn, đơn vị sản xuất có cơ hội lớn hơn về tiếp cận, giới thiệu và giải đáp các thắc mắc của khách hàng về các phương thức thay đổi, phát triển. Trung tuần tháng 5 vừa qua, triển lãm mang tính quốc tế vừa diễn ra tại thành phố mới Bình Dương với sự tham gia của 250 gian hàng đến từ các DN công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước. Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại triển lãm là thiết bị công nghệ mới nhất trong ngành điện, năng lượng, máy móc công nghiệp, tự động hóa, vật tư ngành nước. Triển lãm giúp khách tham quan và đối tác hiểu rõ hơn về những công nghệ mới, cũng như đưa ra các giải pháp tối ưu cho DN để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0, thực hiện chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TMDV Nguyễn Hùng Minh (TP.Hồ Chí Minh), cho biết trong thời điểm khó khăn này các triển lãm diễn ra tạo điều kiện để các DN kết nối với nhau nhiều hơn. “Chúng tôi cũng đem đến triển lãm các thiết bị, giải pháp hiệu quả nhất cho DN để cùng nhau vượt qua khó khăn trong thời gian tới, nâng tầm sản xuất và phát triển”, bà Nguyễn Hồng Ân cho biết.
Ông Đinh Thế Khang, Giám đốc Công ty Điện tự động Khang Việt, TP.Thuận An, cho biết trong tình hình khó khăn hiện nay, nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu. “Chính vì vậy cần phải áp dụng công nghệ tự động hóa, IoT, giúp DN có thể tối ưu hóa quá trình quản lý sản xuất, giải quyết các vấn đề khó khăn. Chúng tôi đến với triển lãm lần này để giới thiệu các công nghệ phù hợp với các giải pháp của DN với giá cả cạnh tranh”.
TIỂU MY