| 11-06-2024 | 06:50:50

Tạo động lực thúc đẩy phát triển

Thi đua yêu nước là phong trào có bề dày lịch sử, rộng khắp và được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc cách đây vừa tròn 76 năm, thi đua yêu nước đã trở thành động lực, sức mạnh để nhân dân ta đánh thắng mọi thế lực xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. 76 năm đã trôi qua nhưng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự.

Có thể nói trong lịch sử dân tộc, chưa thấy phong trào nào có được bề dày, vị thế, sức lan tỏa và đem lại kết quả cao như phong trào thi đua yêu nước. Từ phong trào này, các tầng lớp nhân dân Việt Nam “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh” đều trên dưới một lòng; “bất kỳ già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo, lớn, nhỏ” đều chung tay, góp sức để “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã chung sức chiến thắng giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm khi chính quyền còn non trẻ trong những ngày đất nước vừa độc lập. Cũng từ lời kêu gọi này và hưởng ứng khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào đã hăng hái góp sức làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp đó, các phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền Nam - Bắc đã góp phần xứng đáng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua yêu nước không ngừng được phát động, đặc biệt là từ sau khi có Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003) và thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”, khắp nơi đã xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào thi đua yêu nước mới. Dựa trên nguyên tắc thi đua là tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch…, các phong trào thi đua yêu nước mới đã thật sự đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng và đem lại kết quả tích cực. Công tác khen thưởng có sự thay đổi theo hướng công khai, công bằng, kịp thời và chính xác đã tạo ra động lực để phong trào thi đua phát triển lên tầm cao mới.

Để thi đua yêu nước thật sự trở thành phong trào rộng khắp, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương cần chú trọng chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc trong thi đua như thích phô trương, thổi phồng thành tích, chạy danh hiệu. Cùng với đó, cần chú trọng khen thưởng công bằng, khách quan, đúng người, đúng việc. Có như vậy cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mới thật sự tin tưởng và ngày càng nhiệt huyết hơn với các phong trào thi đua yêu nước.

LÊ QUANG

Chia sẻ