| 10-08-2021 | 08:58:42

Tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19

Với mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho người bệnh Covid-19, giảm tối đa số ca chuyển biến nặng và tử vong, Bình Dương đang tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, tỉnh tiến hành phân tầng điều trị theo mô hình “3 tầng” nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh và dễ dàng cho việc điều phối F0 giữa các tầng điều trị.

 Đẩy mạnh kết nối hệ thống Tele- Health

Hệ thống Tele- Health là hệ thống công nghệ khám, chữa bệnh trên toàn quốc, kết nối tới 100% tuyến huyện, cho phép các chuyên gia hàng đầu hội chẩn bệnh nhân Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bệnh nhân Covid-19 và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ; đồng thời giúp đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.

Đề cập đến ứng dụng hệ thống Tele- Health trong điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh khẩn trương thiết lập kết nối hệ thống Tele- Health giữa các khoa phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.

Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời cho các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất, như: Mạng Viettel, VNPT, Zoom, Zalo, Viber, điện thoại... Các đơn vị thu dung, điều trị Covid-19 bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với bệnh viện tuyến trên để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất.

Những ngày qua, nhờ phát huy hiệu quả hệ thống Tele- Health trong chăm sóc, chuyển tầng điều trị mà bệnh nhân xuất viện ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày có từ 300 đến hơn 500 bệnh nhân xuất viện. Cụ thể, trong ngày 8-8, toàn tỉnh có 494 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện trong đợt dịch thứ 4 lên 5.663 người. Về công tác chuyển tầng điều trị, trong ngày có 11 bệnh nhân chuyển từ tầng 1 sang tầng 2 và 22 bệnh nhân chuyển từ tầng 2 sang tầng 3; số bệnh nhân tử vong giảm.

Tận dụng giờ vàng cứu sống người dân

Trong buổi giao ban mới đây về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị nhằm giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, tận dụng giờ vàng cứu sống người dân. Đặc biệt, Thường trực Tỉnh ủy lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân tham gia điều trị.

Đề cập đến khó khăn, thách thức trong quá trình điều trị các ca F0 tại Bình Dương, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện biến chủng Delta có đặc điểm lây lan nhanh, diễn biến lâm sàng nhanh nên tỷ lệ tử vong tăng cao so với các biến chủng trước. Bệnh nhân diễn tiến nhanh không chỉ có ở người bệnh có bệnh lý nền, cao tuổi mà còn diễn tiến nặng, nhanh với những người trẻ tuổi. Bình Dương đã chuẩn bị rất tích cực việc theo dõi các bệnh nhân F0 khi trở nặng nhưng với tổng số ca mắc hiện nay thì các cơ sở điều trị đang quá tải.

Việc triển khai cách ly F0 tại nhà cũng được tỉnh quan tâm thực hiện nhưng một số trường hợp đòi hỏi phải có sự theo dõi y tế nên gánh nặng về việc trang bị cơ sở vật chất (hệ thống oxy, hệ thống khí nén, hệ thống ECMO) cần có nhu cầu lớn. Bộ Y tế đã ngay lập tức cử các đội chuyên gia của các bệnh viện hàng đầu và các bệnh viện tuyến Trung ương vào hỗ trợ cho Bình Dương. Bộ Y tế cũng lập trung tâm hồi sức của Bộ Y tế đặt tại tỉnh để cùng các cơ sở hồi sức của tỉnh thu dung, tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch. Mong rằng khi trung tâm hoàn thành sẽ kéo giảm sâu tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong.

Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, trước đó tỉnh đã chủ động xây dựng các đội phản ứng nhanh sẵn sàng các xe cấp cứu, bác sĩ, điều dưỡng tiếp cận người bệnh khi có yêu cầu để khám và chăm sóc. Hệ thống đường dây nóng 1022 của tỉnh cũng sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi của các trường hợp điều trị tại nhà. Đặc biệt tỉnh đã chủ động xây dựng mô hình triều trị 3 tầng theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh. Đối với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng, tỉnh sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu từ các cơ sở như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu, các cơ sở lưu trú, khách sạn...

Đối với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng, tỉnh xây dựng bệnh viện dã chiến hoặc thiết lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 từ các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi cơ sở thiết lập khu vực hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng. Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tỉnh bố trí và bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu để cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

HOÀNG LINH

Chia sẻ
Tags
Covid-19