Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì họp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang nội dung về sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; những tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ thúc đẩy phát triển; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để phấn đấu sớm đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân cả năm trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương tập trung giải ngân vốn các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương họp trực tuyến với ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nội dung về sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; các tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ thúc đẩy phát triển
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
Từ đầu năm đến ngày 15-10-2023, toàn tỉnh đã thu hút 71.443 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, trong đó 5.399 doanh nghiệp đăng ký mới (số vốn 40.845 tỷ đồng); 1.353 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (số vốn 39.869 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 64.631 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 702.000 tỷ đồng.
Về đầu tư nước ngoài, tỉnh đã thu hút 1,3 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 101 dự án mới với số vốn 533 triệu đô la Mỹ, 31 dự án điều chỉnh tăng vốn (tăng 151 triệu đô la Mỹ), 112 doanh nghiệp góp vốn (với 772 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.185 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40,2 tỷ đô la Mỹ.
Để tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2023 tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ý, Hoa Kỳ, Úc, Thái Lan… Đồng thời, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, hợp tác xây dựng thành phố thông minh từ các thị trường tiềm năng, có trình độ quản lý và khoa học - kỹ thuật cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông, các nước châu Âu; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Nga, Ấn Độ…
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi mô hình, tìm kiếm thị trường, mạnh dạn chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lượng đơn hàng giảm mạnh. Trong 9 tháng năm 2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ đô la Mỹ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 226.318 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất Công ty CiCorr (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I)
Ông Võ Văn Minh cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi và sản xuất, kinh doanh ổn định, thời gian qua UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận vốn vay; bảo đảm an sinh xã hội; các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới… Các giải pháp này được triển khai thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Ông Võ Văn Minh cho biết thêm, Bình Dương đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển; luôn đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh.
Phấn đấu sớm đạt mục tiêu giải ngân vốn
Tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị tổ chức Hội thảo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2023; cùng với đó nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị ven sông Sài Gòn, dọc các tuyến đường trọng điểm; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản.
Bình Dương đã tổ chức khởi công 2 gói thầu thuộc dự án thành phần 5 đường Vành đai 3. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các dự án giao thông trọng điểm, như: Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành; xây dựng danh mục dự án giao thông ưu tiên bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025; nghiên cứu đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các vị trí kết nối với TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh); thỏa thuận các vị trí kết nối giao thông giữa TP.Tân Uyên, TP.Dĩ An với các địa phương của tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Từ đầu năm đến ngày 15-10-2023, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công của tỉnh đạt 51% kế hoạch của tỉnh và đạt 91,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt cao hơn cả về tỷ lệ và giá trị giải ngân.
Theo ông Võ Văn Minh, đặc thù cơ cấu kế hoạch đầu tư công năm 2023 tỷ lệ vốn bố trí cho các công trình trọng điểm rất lớn, chiếm gần 70% tổng kế hoạch vốn, trong đó chủ yếu là chi phí giải phóng mặt bằng. Trong những tháng đầu năm, các công trình trọng điểm cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư nên tốc độ giải ngân còn chậm. Ngày 29-6 vừa qua, tỉnh đã khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Đây là khí thế, động lực để tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trong những tháng còn lại trong năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng của tỉnh thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa qua, ông Võ Văn Minh đã nêu ra một số khó khăn, cũng như kiến nghị, đề xuất Chính phủ vấn đề thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai. Cụ thể, hiện nay chưa có hướng dẫn xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài chưa có sự thống nhất giữa Điều 5, Điều 169 Luật Đất đai năm 2013…
Tỉnh còn gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, xây dựng. Cụ thể, đối với chính sách phát triển nhà ở chưa có tiêu chí thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở bảo đảm thống nhất với pháp luật liên quan, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc phát triển nhà ở phải phù hợp nhu cầu thực tế tại địa phương. Về nhà ở xã hội, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài…
Để sớm đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân cả năm trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Văn Minh cho biết UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư bám sát các chỉ đạo của UBND tỉnh về đầu tư công từ đầu năm, nhanh chóng triển khai các thủ tục thực hiện dự án. Đồng thời, Bình Dương tập trung giải ngân vốn các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm và những dự án có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh công tác thẩm định giá đất, bảo đảm đúng quy định; phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng (điện, nước, viễn thông…); rà soát tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân của từng dự án để điều chuyển vốn cho phù hợp. Ngoài ra, tỉnh tăng cường trách nhiệm các chủ đầu tư, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đầu tư công, tránh tình trạng gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Trước những kiến nghị của các địa phương, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thật kỹ để có văn bản trả lời cụ thể; tổng hợp kiến nghị của các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực của Bộ Xây dựng, nhất là quy hoạch của tỉnh Đồng Nai, công tác phòng cháy, chữa cháy của tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận và khẳng định, Bộ Xây dựng ủng hộ các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những vấn đề khác, bộ tổng hợp có văn bản trả lời các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển hơn nữa trong thời gian tới. |
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG