Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong chương trình chuyến công tác tại tỉnh Bình Dương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi khảo sát, kiểm tra một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh và làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số các công trình giao thông điểm trên địa bàn tỉnh
Nhanh chóng hoàn thành thủ tục
Trong chuyến khảo sát thực tế vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến các công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là các tuyến đường quan trọng không chỉ đối với Bình Dương mà còn góp phần kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại điểm khảo sát ở cầu Khánh Vân (TX.Tân Uyên), Thủ tướng đã nghe báo cáo về quy hoạch và tiến độ chuẩn bị triển khai xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đây sẽ là dự án cao tốc đầu tiên kết nối ba địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Phước. Dự án có tổng chiều dài tuyến 69km, từ nút giao Gò Dưa - TP.Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 14 (tỉnh Bình Phước), trong đó đoạn qua Bình Dương dài 60,25km, hiện tỉnh đã đầu tư 14,5km với quy mô 6-8 làn xe. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Thủ tướng đã khảo sát và nghe báo cáo dự án đường sắt khu vực đầu mối TP.Hồ Chí Minh (tuyến Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép). Dự án đường Vành đai 3, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài hơn 26km. Dự án đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng có tổng chiều dài 43,7km và một số công trình khác. Thủ tướng yêu cầu Bình Dương nhanh chóng hoàn thành các thủ tục đầu tư đúng quy định càng sớm càng tốt. Đặc biệt, là dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hoàn tất thủ tục để khởi công trong tháng 4-2023. Thủ tướng lưu ý, khi thực hiện dự án cần tính toán hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bố trí tái định cư phù hợp để người dân nhanh chóng ổn định đời sống sau khi thu hồi đất.
Nỗ lực hoàn thành kế hoạch
Làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã nghe đại diện UBND tỉnh báo cáo về kết quả thực hiện công tác này. Theo đó, tính đến ngày 30-11, tổng giá trị giải ngân là 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch tỉnh và đạt 46,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bình Dương phấn đấu đến ngày 30- 1-2023, tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điếm và định kỳ tổ chức họp để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc. Tuy nhiên, hiện nay Bình Dương còn một số vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện và giải ngân của một số dự án, trọng điểm còn chậm.
Đối với việc thực hiện 2 dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng vốn 34,8 tỷ đồng, gồm dự án “Nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế TP,Thuận An, tỉnh Bình Dương” với vốn 10 tỷ đồng và dự án “Xây mới 2 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Bình Dương” với mức vốn 12,4 tỷ đồng mỗi dự án, hiện tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết năm 2023, Bình Dương phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và chú trọng theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, kịp thời rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng mặt bằng, thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. “Hiện Bình Dương đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công năm 2023, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thẩm định giá đất”, ông Võ Văn Minh thông tin.
Tại buổi làm việc, Bình Dương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đoạn tuyến qua tỉnh Bình Dương từ sông Đồng Nai (cầu Thủ Biên) đến sông Sài Gòn (dài 48,3km, trong đó, tỉnh đã đầu tư 22,64km, còn lại 25,66km), Bình Dương kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh triển khai đầu tư tuyến đường với chủ trương đầu tư độc lập cho từng giai đoạn. Giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch; đầu tư xây dựng đường song hành thông toàn tuyến đoạn qua Bình Dương, với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Giai đoạn 2, đầu tư xây dựng 4 làn đường cao tốc theo phương thức PPP, với tổng mức đầu tư dự kiến 18.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 thời gian triển khai từ năm 2023-2025, đồng thời song song trong quá trình triển khai giai đoạn 1 kêu gọi nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 theo hình thức PPP. Dự kiến hoàn thành trong năm 2026.
PHƯƠNG LÊ