Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 1: Vinh quang nhiệm vụ giữ “nhà trên biển”
Nhà giàn là tên gọi mang tính hình tượng để mô tả về những ngôi nhà thép đặt trên giàn cao giữa biển. Qua lăng kính báo chí, văn học, hình tượng cao đẹp ấy đã gần gũi, thân quen hơn bằng tên gọi “Ngôi nhà giữ biển”. Phải vượt qua muôn trùng sóng gió đại dương, chúng tôi mới đến được những ngôi nhà ấy.
Từ tên gọi Phúc Nguyên
Sau 30 giờ liên tục trên tàu Trường Sa 19 - con tàu vận tải trên 1.000 tấn hiện đại do Việt Nam thiết kế, đóng mới - đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đưa đoàn đại biểu, phóng viên các cơ quan báo chí trong cả nước đến thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các tàu trực, nhà giàn DK1, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã neo đậu trên bãi cạn Phúc Nguyên.
Sách Đại Nam thực lục của Lê Quý Đôn, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nhà Xuất bản giáo dục 2001, Lịch sử Việt Nam..., viết: “Phúc Nguyên là tên vị chúa thứ hai của chính quyền Đàng Trong (ở ngôi từ năm 1613 đến năm 1635) sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Trong thời gian ở ngôi chúa, ông đã xây dựng một vương triều độc lập. Ông được dân chúng gọi là chúa Sãi, chúa Bụt hay Phật chúa. Ông là người có công mở rộng bờ cõi về phương Nam, đặt nền móng phát triển kinh tế, mở rộng giao thương. Ông đã để lại nhiều công trình còn tồn tại đến ngày nay, như: Cho phép người Hoa, người Nhật Bản được định cư lâu dài, lập phố buôn bán (phố cổ Hội An, Quảng Nam) gọi là phố Khách, phố Nhật. Vị thị trưởng phố Nhật ở Hội An đầu tiên được Chúa Nguyễn công nhận là một chủ tàu kiêm nhà buôn tên là Furamoto Yashiro. Vì vậy, ngày nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền từ ngữ “Khách Trú”, có nơi gọi trại ra thành “Cát Trú” để chỉ những người ngoại quốc thường trú, làm ăn tại Việt Nam.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Phong Cảnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trao đổi với báo chí sau khi chủ trì lễ chào cảng, tiễn đưa đoàn công tác lên đường làm nhiệm vụ thăm, chúc tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu trực, nhà giàn DK1 - thềm lục địa phía Nam. Ảnh: DUY CHÍ
Khẳng định chủ quyền và lợi thế địa lý của biển trong giao thương, phát triển đất nước, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã ban hành châu bản có giá trị quốc tế (công hàm) gửi đến các nước để khẳng định quyền chủ quyền, quy định trách nhiệm của tàu bè nước ngoài phải chấp hành khi đi vào vùng biển hoặc qua lại cập cảng, giao thương và được Chính phủ các nước thời đó công nhận như Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật Bản. Châu bản có tên Châu Ấn Thuyền cho phép tàu buôn các nước được phép qua lại, cập cảng Việt Nam để tránh bão, sửa chữa tàu thuyền, mua bán, trao đổi hàng hóa...
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn chủ động hy sinh máu thịt của gia đình để xây dựng, mở rộng mối bang giao quốc tế, như gả con gái ruột Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành Pô Rô Mê; gả công nữ Ngọc Vạn cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II... Mối quan hệ giao thương Việt - Nhật càng được gắn chặt khi người con gái nuôi - Ngọc Hoa của chúa Nguyễn Phúc Nguyên kết hôn với thương gia Nhật Bản Araki Sotaro ở Nagasaki. Người con rể này có tên Việt là Nguyễn Thái Lang (do chúa đặt), vốn thuộc dòng dõi samurai ở Kumamoto đi thuyền mang cờ hiệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan VOC đến cập cảng Hội An vào năm 1619.
Ghi nhớ công lao đó, nhân dân đã lấy tên ông đặt cho bãi đá ngầm có độ sâu trung bình 70 -100m thuộc thềm lục địa phía Nam của đất nước.
Đến nhà giàn DK1
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, ôm trọn lãnh thổ hình chữ S theo cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam. Vì thế, vùng biển và ven biển Việt Nam được xem là cửa ngõ kinh tế lớn hướng ra mặt tiền, thông thương với các nước, các châu lục trên thế giới. Vị trí địa lý của biển Việt Nam còn có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược và sự nghiệp bảo vệ quốc phòng - an ninh của Tổ quốc.
Những năm 1987, 1988, lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đang gặp khó khăn, một số nước đã gây ra nhiều tình huống phức tạp, lôi kéo nhau vào tranh chấp biển đảo thuộc chủ quyền nước ta. Trước tình hình đó, ngày 26-10-1988, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 cùng với Hải đoàn 129 làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để Nhà nước xây dựng ở đây một Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế biển, xây dựng đất nước.
Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ kỹ thuật tại khu bãi đá ngầm thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ trực tiếp khảo sát, thiết kế, thi công hệ thống nhà giàn, gọi tắt là DK1, trên thềm lục địa phía Nam để khẳng định chủ quyền, phát triển kinh tế, canh giữ, bảo vệ biên cương Tổ quốc trên biển.
Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân, cho biết trong 5 vùng biển do Quân chủng Hải quân quản lý thì Vùng 2 là rộng lớn và quan trọng nhất. Vùng này tiếp giáp với nhiều nước như Maylaysia, Indonesia, Thái Lan... và nằm trên đường hàng hải quốc tế nối liền khu vực Bắc Á với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc qua eo biển Malacca ra Đại Tây Dương. Đây là đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp, chỉ sau Địa Trung Hải. Trung bình mỗi tháng, có từ 300 - 500 tàu vận tải tải trọng từ 3.000 tấn đến trên 5.000 tấn qua lại, chưa kể số tàu nhỏ, tàu sân bay đến từ Mỹ, Úc, Nhật Bản.
Nhiệm vụ của các nhà giàn là khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ công tác thăm dò, khảo sát, khai thác dầu khí, bảo vệ ngư dân, cứu nạn cứu hộ tàu bè trên biển. Hệ thống nhà giàn được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với đầy đủ chứng cứ lịch sử, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc chúng ta gắn tên gọi nhà giàn DK1 với thềm lục địa phía Nam để phân biệt giữa thềm lục địa với vùng biển tranh chấp liên quan đến 5 nước và 6 bên. Cán bộ, chiến sĩ công tác trên các nhà giàn, tàu trực là những cán bộ, chiến sĩ ưu tú, được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, rèn luyện và được cấp trên tin tưởng giao phó, vì đây là nhiệm vụ quan trọng và vinh quang, được canh giữ những “ngôi nhà của Tổ quốc trên biển”.
Đến nay, Nhà nước đã xây dựng 19 nhà trạm trên thềm lục địa phía Đông Nam và 1 nhà trạm tại Bãi cạn Cà Mau. Khu vực DK1 có 9 bãi ngầm có tên: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường, Huyền Trân, Vũng Mây, Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Đinh. Độ sâu trung bình khu vực biển DK1 từ 700 - 1.000m. Điều kiện thủy văn nơi đây rất phức tạp, thường xuyên có sóng to, gió lớn; nhất là từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời gian thường xuất hiện những cơn bão lớn gây nguy hiểm cho tàu bè và phương tiện nổi hoạt động trên biển. Những người làm nhiệm vụ trên tàu nói riêng và cán bộ, chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đưa rước đại biểu đến thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển nói chung đều là những người có bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm, bảo đảm chuyến công tác thành công, an toàn, mang đầy niềm vui, tình cảm và không khí tết từ đất liền đến cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng II Hải quân: Bảo đảm chuyến đi an toàn, thành công
Hàng năm, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đều tổ chức các chuyến tàu đưa đoàn đại biểu đại diện cho Quân - Dân - Chính - Đảng các tỉnh, thành trong cả nước mang tình cảm, lời chúc mừng năm mới cùng với quà tết là gạo, nếp, hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét truyền thống đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các tàu trực, nhà giàn DK1 - thềm lục địa phía Nam và hải đảo. Hành trình đi và về đúng 1.000 hải lý trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, diễn biến phức tạp, nhưng với điều kiện phương tiện hiện đại, bản lĩnh, kinh nghiệm dày dạn của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân sẽ bảo đảm chuyến đi của đại biểu các bộ, ngành, Trung ương, các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí an toàn, thành công, đúng kế hoạch.
DUY CHÍ
Kỳ 2: Vượt lên sóng dữ