| 16-08-2023 | 09:08:55

Thả muỗi mang Wolbachia: Kéo giảm ca mắc sốt xuất huyết

Dự án Wolbachia khu vực phía Nam đã hoàn thành giai đoạn thả muỗi, trong đó có 5 phường của TP.Thủ Dầu Một bước sang giai đoạn theo dõi quần thể muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia và tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue. Dự án cũng cần thời gian để đánh giá tác động lâu dài về y tế cộng đồng.


Đội hình tuyên truyền về chương trình thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại TP.Thủ Dầu Một

Số ca mắc SXH tại TP.Thủ Dầu Một giảm

Trong hơn 7 tháng vừa qua, TP.Thủ Dầu Một ghi nhận 189 ca mắc SXH, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 1.290 ca). Đặc biệt, tại các phường đang triển khai dự án Wolbachia khu vực phía Nam, như: phường Phú Cường giảm 90% số ca mắc, phường Phú Hòa giảm 86%, phường Phú Lợi giảm 89%, phường Hiệp Thành giảm 86% và phường Chánh Nghĩa giảm 94 % so với cùng kỳ năm 2022.

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Hiện dự án Wolbachia khu vực phía Nam đã hoàn thành giai đoạn thả muỗi tại 5 phường của TP.Thủ Dầu Một, bước sang giai đoạn theo dõi quần thể muỗi vằn mang Wolbachia và tỷ lệ SXH Dengue cộng đồng. Kết quả giám sát muỗi tháng 7-2023 cho thấy tỷ lệ quần thể muỗi mang Wobachia chiếm khoảng 65%. Dịch bệnh SXH đã giảm nhiều, chưa ghi nhận ca tử vong trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh nói chung và TP.Thủ Dầu Một nói riêng” .

Nói về phương pháp thả muỗi mang Wolbachia, bác sĩ Trần Văn Chung nhấn mạnh, từ trước đến nay chúng ta có nhiều biện pháp phòng chống SXH và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố, khẳng định vai trò quan trọng của phương pháp Wolbachia nhằm giảm thiểu sự lây truyền của SXH Dengue. Hiện ở khu vực thả muỗi đang cho thấy số lượng ca bệnh báo cáo ít hơn trước đây. Dự án nào cũng cần thời gian để đánh giá tác động lâu dài. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác phòng chống bệnh SXH và nội dung này đứng vị trí thứ nhất trong ngân sách phòng, chống bệnh của địa phương. Phương pháp Wolbachia đã và đang được áp dụng, triển khai ở 13 quốc gia, trong đó bao gồm cả triển khai diện rộng như Indonesia, Brazil và Colombia.

Quá trình triển khai dự án tại TP.Thủ Dầu Một ghi nhận 98,9% đại diện hộ gia đình được khảo sát và 100% nhóm tham vấn cộng đồng của thành phố tham gia buổi họp nhóm đã đồng thuận thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia phòng chống SXH. Bà Nguyền Bé Ba, ngụ tổ 1, khu phố 1, phường Phú Cường, cho biết: “Tôi rất ủng hộ việc thả muỗi mang Wolbachia và thường xuyên kiểm tra cốc thả muỗi tại nhà. Tôi cũng tuyên truyền bà con lối xóm hiểu phương pháp Wolbachia giảm bệnh SXH và tích cực phản hồi thông tin cho cán bộ y tế”.

Quần thể muỗi mang Wolbachia đang được thiết lập, ổn định

Thông tin về dự án Wolbachia khu vực phía Nam, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, cho biết thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Muỗi Thế giới, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, Tiền Giang và Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam tiến hành thí điểm phương pháp Wolbachia tại 5 phường của TP.Thủ Dầu Một (Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Hiệp Thành và Chánh Nghĩa) và TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).

“Trong thời gian 30 tuần, từ tháng 3 đến tháng 10-2022, dự án thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tiến hành thực hiện ở 2 khu vực có nguy cơ cao về SXH Dengue. Vi khuẩn Wolbachia trong muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) sẽ làm giảm khả năng lan truyền các vi rút gây bệnh sang người, giảm nguy cơ xảy ra dịch SXH Dengue, Zika, Chikungunya và sốt vàng. Khi muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả ra môi trường, chúng sẽ giao phối với muỗi trong tự nhiên. Theo thời gian, ở khu vực thả muỗi, tỷ lệ muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tăng dần, đạt tỷ lệ cao mà không cần phải thả thêm”, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung nói.

Dự án đã thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên tổng diện tích 36km2 với số dân 261.000 người ở 13 phường trung tâm của 2 thành phố (TP. Thủ Dầu Một và TP.Mỹ Tho). Kết quả cho thấy quần thể muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đang phát triển để thiết lập ổn định. Các hoạt động theo dõi kết quả dự án sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024 và 2025 để khẳng định việc thiết lập quần thể muỗi mang vi khuẩn Wolbachia và các tác động về y tế cộng đồng. Tuy nhiên, số ca mắc được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể khi mật độ muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tăng lên.

ThS.BS Dương Lệ Quyên, đại diện Chương trình Muỗi Thế giới, cho biết: “Từ tháng 11-2022 đến tháng 7-2025, dự án triển khai các hoạt động theo dõi sau thả muỗi, bao gồm thu thập mẫu muỗi để theo dõi tỷ lệ muỗi mang vi khuẩn Wolbachia và sử dụng số liệu báo cáo SXH Dengue sẵn có của hai thành phố để theo dõi tỷ lệ mới mắc SXH Dengue. Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên có mặt trong khoảng 60% các loại côn trùng. Phương pháp này có thể bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền mà không gây bất kỳ rủi ro nào cho hệ sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người”.

HOÀNG LINH

Chia sẻ