Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Với việc đổi mới thu hút đầu tư, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương đã sẵn sàng cho sự thay đổi hết mình, mở rộng đầu tư, liên kết với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vững vàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp DN nội tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH SX&TM Đức Kim Tinh (TP.Dĩ An)
Hợp tác, nắm bắt cơ hội
Với việc dòng vốn đầu tư chất lượng cao đã và đang đổ về Bình Dương tạo ra cơ hội lớn cho các DN liên kết, hình thành nên chuỗi cung ứng, tạo ra sự thuận lợi cho các bên trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Trao đổi với chúng tôi, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lego, cho biết Lego chọn Bình Dương để mở nhà máy không phải xuất phát từ chi phí lao động giá rẻ mà nhìn thấy sự phát triển của thị trường Việt Nam, mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Lego sẵn sàng đón các đoàn tham quan nhà máy để tìm kiếm cơ hội hợp tác, cùng phát triển.
“Tuy vậy, các DN phải xác định tham gia vào chuỗi cung ứng phải đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn sản xuất mà chúng tôi đưa ra. Điều này không quá dễ dàng song chúng tôi có một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ hợp tác với các DN Việt Nam. Nếu hợp tác được với nhà máy tại Việt Nam, các DN có cơ hội hợp tác 5 nhà máy khác của Lego trên thế giới”, ông Preben Elnef cho biết.
Trên thực tế, đến nay rất nhiều DN tại Bình Dương vững vàng hợp tác với các đối tác lớn từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Bước đầu đã tạo nên những nền tảng quan trọng để công nghiệp trong nước vươn lên trong hội nhập. Các DN nội địa cũng sẵn sàng để đón chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác, nâng tầm sản xuất, khẳng định thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Đinh Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Đức Kim Tinh (TP. Dĩ An), cho biết hiện nay công ty là đối tác lớn của các tập đoàn Toshiba, Hyosung, Teco… Trên thực tế các tập đoàn vẫn mong muốn tìm kiếm nguồn cung ngay tại Việt Nam để giảm chi phí vận chuyển, tuy nhiên không phải DN Việt Nam nào cũng có cơ hội tiếp cận. Theo kinh nghiệm của bà Đinh Thị Kim Nhung, các tập đoàn nước ngoài thường đưa ra 5 tiêu chí yêu cầu DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu phải đạt được. Đó là không dùng chất liệu nguy hại; chất lượng nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn; bảo đảm an ninh nhà máy, nơi sản xuất; phải bảo vệ môi trường và đạt chất lượng sản phẩm. Điều này buộc DN phải tái cấu trúc, định vị lại sản phẩm của mình. Tôi nghĩ rằng không cần nhà máy quá lớn nhưng phải bảo đảm được các tiêu chí các tập đoàn này đưa ra.
“Để đáp ứng được yêu cầu của từng tập đoàn, công ty đã phải mất một năm mới giải quyết được “bài toán” đưa ra. Tôi nghĩ trong xu thế kết nối, phát triển, tất cả các DN đều đã sẵn sàng đón chuỗi cung ứng. Rất mong có được những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước”, bà Nhung nói thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tập đoàn CNC Tech (KCN Đồng An 1), kinh nghiệm để đón chuỗi cung ứng đầu tiên là mỗi DN nên chủ động tìm kiếm đối tác. Các tập đoàn FDI thường không đánh giá quy mô DN mà coi trọng chất lượng sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Ông Hùng tin rằng với sự tiếp sức của các bộ, ngành, rất nhiều DN sẽ có cơ hội và đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng, thay vì đi con đường dò dẫm như CNC Tech hơn 10 năm trước.
Hỗ trợ phát triển nguồn lực
Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries), cho biết DN đang có chiến lược đầu tư mạnh vào Vùng kinh tế trọng điểm phía nam thông qua nhiều mô hình liên kết khác nhau. Cụ thể, THACO Industries đang xúc tiến để có một khu công nghiệp hỗ trợ mang tầm quốc tế tại Bình Dương vào cuối năm 2023. Theo kế hoạch, THACO Industries tổ chức sản xuất gia công, đi kèm đó là những hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, chuyển giao công nghệ… để giúp các DN nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Tỉnh đã có nghị quyết của HĐND về danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, theo đó sẽ đầu tư 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75ha, trong đó có 1 cụm công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí”. Các chính sách của chương trình này nhằm thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, vừa có lợi thế khi tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS.Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Becamex IDC, cho biết: “Dịch chuyển chuỗi cung ứng là cụm từ thường được nhắc đến trong thời gian qua, để hấp thụ được dòng chảy đó, mỗi quốc gia và địa phương cần phải hội tụ đủ năng lực nội tại, từ nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu phát triển, thể chế, chính sách... Đặc biệt cần phải có chiến lược và chiến thuật để biến dòng chảy đó thấm sâu vào địa phương, hình thành các chuỗi cung ứng địa phương theo ngành dọc, góp phần củng cố năng lực cốt lõi của DN, địa phương hay quốc gia. Nếu không làm được như thế, nguy cơ suy thoái hậu công nghiệp theo chiều rộng sẽ là tất yếu”.
TIỂU MY