Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chị Phạm Thị Tình, ấp Rạch Bắp, xã An Điền, TX.Bến Cát đã thành công với mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ sạch, trở thành tấm gương sáng trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh.
Chị Phạm Thị Tình bên vườn dưa lưới của gia đình
Năng động, vượt khó
Sinh ra nơi vùng quê nghèo Hà Tĩnh, tuổi mười tám đôi mươi, chị Tình gia nhập theo đoàn công nhân vào miền Nam làm kinh tế mới. Chị được phân công làm công nhân ở Công ty Cao su Dầu Tiếng, rồi sinh cơ lập nghiệp ở đây. Số phận thật không may mắn, chồng chị mất sớm khi 3 đứa con chưa trưởng thành. Khó khăn chồng chất, một mình vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Trước kia, chị được giao làm giáo viên dạy học cho con em công nhân của công ty, sau đó chị xin chuyển sang làm công nhân cạo mủ. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, chị mướn đất trồng trọt, chăn nuôi để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con học đại học. Sau khi nghỉ hưu, chị mạnh dạn vay tiền mua đất trồng cao su, phát triển kinh tế. Cao su là cây công nghiệp dài ngày, để xoay xở trả lãi ngân hàng, vừa trang trải cuộc sống, chị tiếp tục trồng xen hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”.
Thiên nhiên không phụ công người chăm chỉ, vườn cao su của chị Tình đã đến ngày thu hoạch. Thời điểm giá mủ cao su đang ở đỉnh cao, mỗi năm chị thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, không chỉ có tiền nuôi các con học đại học, xây dựng nhà cửa khang trang, mà chị còn đầu tư xây dựng thêm phòng trọ cho công nhân thuê. Được biết, chị Tình có 3 người con đến nay đã thành đạt, con gái đầu là thạc sĩ kinh tế, con trai thứ 2 là thạc sĩ công nghệ thông tin, hiện đang làm việc cho một tập đoàn của châu Âu và con trai út cũng vừa tốt nghiệp đại học.
Chị Phạm Thị Tình chia sẻ: “Điều mãn nguyện nhất là các con của tôi đã thành đạt, công việc ổn định. Dù tuổi đã xế chiều, tôi chưa muốn dừng lại, phải tiếp tục phát triển kinh tế. Mấy năm nay mủ cao su rớt giá nên nguồn thu nhập giảm. Tôi bắt đầu tự tìm tòi, nghiên cứu về kỹ thuật trồng dưa lưới. Nhận thấy dưa lưới phù hợp với khí hậu nhiệt đới, thời gian thu hoạch ngắn, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn, nên tôi bàn với các con, quyết định lấy một phần diện tích cao su, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Bước đầu thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ sạch, đã được các siêu thị lớn trong tỉnh tìm đến đặt hàng”.
Dám nghĩ, dám làm
Nhận thấy xu hướng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nông nghiệp đang được khuyến khích, bước đầu thử nghiệm, chị Tình đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà màng theo tiêu chuẩn của nước ngoài, trên diện tích đất 500m2. Nhằm điều chỉnh hàm lượng nước tưới, tiêu cần thiết, hệ thống nhà màng được trang bị thêm hệ thống vòi phun nước tưới nhỏ giọt tự động. Điều đặc biệt, hệ thống thông minh này ngoài tiết kiệm nước còn được điều khiển bởi hệ thống cảm biến, tự động đóng/ mở van tưới cây khi độ ẩm đạt mức thích hợp, giúp người lao động giảm công chăm sóc.
Chị Phạm Thị Tình cho biết thêm, khác với kỹ thuật canh tác nông nghiệp truyền thống, trồng dưa lưới trong nhà màng không sử dụng đất. Mỗi cây dưa lưới được trồng trong một chậu Polymer (PE) và được trồng bằng xơ dừa đã qua xử lý. Đây là mô hình trồng theo công nghệ sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong thời gian cây dưa lưới ra hoa, đơm trái, nhà vườn phải cắt tỉa cành và trái ở đầu nhánh, mỗi cây chỉ để lại một trái ở nhánh cái, vừa cho quả to, mọng, giòn, ngọt.
Sau hơn 2 tháng chăm sóc, vườn dưa lưới của chị đã cho thu hoạch khoảng 2 tấn, trừ hết chi phí, thu nhập hơn 40 triệu đồng/vụ. Như vậy, tổng 3 vụ dưa vừa qua, với thời gian gần 7 tháng, chị Tình thu nhập được hơn 120 triệu đồng. Thời gian tới, chị Tình sẽ mở rộng dự án trồng dưa lưới bằng công nghệ này trên diện tích 3.500m2.
Chị Nguyễn Thị Ánh Diệp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TX.Bến Cát, cho biết: “Chị Phạm Thị Tình là tấm gương phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, chị còn là người phụ nữ năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động xã hội ở địa phương. Vừa qua, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng bằng khen hội viên phụ nữ điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, lọt vào top phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương bình chọn”.
THU HƯỜNG