| 08-09-2023 | 08:28:25

Thành công với mô hình kinh tế tổng hợp

Anh Nguyễn Văn Định, ấp Dáng Hương, xã Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng) tự nhận mình là người “đam mê” làm kinh tế. Nhờ mạnh dạn phát triển đa dạng mô hình, trên chặng đường 30 năm gầy dựng tại mảnh đất Định Hiệp, anh Định đã có cơ ngơi khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn, góp sức làm giàu cho địa phương.

“Đất lành chim đậu”, câu nói đó thật đúng với trường hợp của anh Định. Là người miền Bắc, năm 1993 dừng chân nơi mảnh đất hoàn toàn mới mẻ, anh Định bắt đầu xin vào làm công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng, đi học kỹ thuật về chế biến mủ cao su. Đầu năm 1996 anh ra trường và lập gia đình. Vừa làm công nhân anh vừa chăn nuôi trâu bò, có thời điểm phát triển đàn trâu bò lên tới 50 con. Trời không phụ lòng người chịu khó, cuối năm 1996 anh đã mua được 2 ha đất, bước đầu hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp.

Ao cá trê của anh Định mỗi vụ xuất từ 4-6 tấn, lợi nhuận trung bình một vụ 60 triệu đồng

“Thời điểm đó tôi luôn xác định làm nông dân phải có đất, an cư mới lạc nghiệp. Có tiền tôi tìm mảnh đất đẹp để mua, hồi đó đất còn rẻ, dễ mua. Song song đó là phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Tôi làm nhiều thứ lắm. Năm 1998 tôi trồng mì cao sản một năm cũng kiếm được 120 triệu đồng. Năm 2010 bắt đầu trồng thêm cao su cũng cho doanh thu khá. Đến nay tổng diện tích cây cao su khoảng 5 ha”, anh Định hồi tưởng.

 Không dừng lại ở đó, năm 2013, sau những chuyến đi tham quan ở miền Tây, phát hiện mô hình nuôi cá sấu, anh Định đã học hỏi, vận dụng cách làm. Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 400 con. Đến nay, anh duy trì đàn dưới 1.000 con, đầu ra khá thuận lợi, trung bình một năm bán khoảng 500-600 con, lợi nhuận đạt từ 250-300 triệu đồng. Cùng với đó, để tận dụng thức ăn dư của cá sấu, anh còn nuôi cá trê trên diện tích ao 250m2. Thu nhập bình quân từ mô hình cá trê đạt 60 triệu đồng/vụ, mỗi vụ xuất khoảng 4-6 tấn cá.

 Đúng như lời anh Định chia sẻ, anh chưa bao giờ để đòng vốn nằm yên một chỗ và không ngừng phát triển mô hình kinh tế. Năm 2017, nhận thấy cây tre lấy măng phù hợp với thổ nhưỡng khu vực sinh sống, anh tiếp tục chuyển đổi 1,2 ha cây cao su đã đến thời thanh lý sang trồng tre lấy măng. Sau một năm cây tre lấy măng phát triển thuận lợi đã cho thu hoạch. Đến nay, 3 ngày gia đình lại cắt 1 lần, mỗi lần được khoảng 150kg măng cung cấp cho mối quen ở TP.Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 2017, anh còn đầu tư nhà yến cho doanh thu ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Năm 2020, anh tiếp tục đầu tư điện năng lượng mặt trời và đây là mô hình cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình hiện nay. Anh Định cho biết: “Điện mặt trời áp mái sử dụng cho chăn nuôi cá sấu không đáng kể, chủ yếu dùng để thắp sáng. Nếu thời tiết đẹp một ngày cho khoảng 2.500KW, dùng không hết gia đình bán cho điện lực. Doanh thu bình quân từ dàn điện năng lượng mặt trời là 130 triệu đồng/tháng”.

Ngắm nhìn cơ ngơi khang trang, cơ sở sản xuất bề thế của anh Định trong lòng chúng tôi không khỏi cảm phục ý chí quyết tâm làm giàu của người nông dân này. Linh hoạt, nhạy bén và dám nghĩ dám làm, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế đã mang lại doanh thu ổn định là kết quả tất yếu. Anh Định chia sẻ thêm, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành thêm trang trại nuôi dúi. Tương lai nếu đường giao thông nông thôn của ấp Dáng Hương phát triển, anh làm thêm mô hình du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn, xây dựng homestay để thu hút du khách gần xa.

Bà Lê Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hiệp cho biết, anh Định đã nhiều năm đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ các mô hình kinh tế tổng hợp. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh luôn tham gia, đóng góp trong các hoạt động, phong trào tại địa phương. Mô hình kinh tế của gia đình anh Định phù hợp để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ