| 20-04-2019 | 06:18:27

Thanh niên nông thôn tăng gia sản xuất: Bắt đầu từ những mô hình

 Tùy vào đặc điểm điều kiện tự nhiên ở mỗi địa phương khác nhau, nhiều thanh niên đã có lựa chọn và xây dựng mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng phù hợp. Với tinh thần vươn lên trong lao động, các bạn trẻ ở khu vực nông thôn không những đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả mà còn hỗ trợ tích cực cho phong trào Đoàn ở địa phương. 

Từ đất vườn nhà khoảng 1 ha, anh Bùi Văn Phi ở phường Phú Chánh (TX.Tân Uyên) đã chuyển đổi cây trồng từ lâu năm sang mô hình sản xuất rau màu để khởi nghiệp. Vườn rau được trồng phủ lưới và một màu xanh tươi tốt trải rộng trên mặt đất. Anh Phi trồng các loại rau muống, cải xanh, cải thìa, mồng tơi, cải ngọt, rau ăn sống… Trong 4 năm qua, diện tích 1 ha rau màu cho thu nhập quanh năm đã giúp anh Phi cải thiện đời sống gia đình. Mô hình vườn rau của anh Phi là địa điểm được Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức tham quan học tập trồng rau sạch làm kinh tế hoặc có thể tự trồng tại gia đình để dùng cho bữa ăn hàng ngày. Anh Phi chia sẻ: “Trồng rau sạch cho bữa ăn gia đình không khó, tận dụng một khoảng diện tích nhỏ thôi là có thể làm được, những loại rau màu này đơn giản, dễ trồng, rau sạch bảo đảm an toàn cho sức khỏe”.

Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình sản xuất rau màu của anh Bùi Văn Phi ở phường Phú Chánh (TX.Tân Uyên). Ảnh: KIM TUYẾN

Tận dụng ao sẵn có, anh Lê Minh Tú (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) đã thực hiện trang trại 2 ao nuôi cá trê. Anh Tú cho biết, loại cá này ăn tạp nên việc nuôi, thâm canh dễ đem lại năng suất cao. Ngoài ra, anh còn tận dụng phụ phẩm của các lò giết mổ gia súc để chế biến thành thức ăn nuôi cá, giúp giảm bớt chi phí thức ăn. Sử dụng các loại thực ăn này, cá sẽ sinh trưởng nhanh và tỷ lệ hao hụt thấp, nhờ vậy cá đạt trọng lượng thương phẩm từ 0,5 - 1kg trở lên chỉ sau 5 - 6 tháng và có thể thu hoạch.

Với mô hình này, trong một năm anh Tú có 2 kỳ thu hoạch cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí. Mô hình của anh còn giải quyết việc làm cho 5 thanh niên trong và ngoài xã. Có được thu nhập ổn định, là một Bí thư Chi đoàn ấp, anh Tú còn đóng góp cho công tác Đoàn tại địa phương bằng việc hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của Chi đoàn ấp, Xã đoàn trong phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các cuộc thi...

Được đoàn thể địa phương tạo điều kiện tham quan học hỏi, anh Lê Thành Đông (khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên) đã thực hiện mô hình trồng nấm trên đất vườn nhà với diện tích 750m2. Nhờ sự mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào mô hình trồng nấm và bảo quản, chế biến sản phẩm sạch đã giúp anh Đông đạt được kết quả với mỗi tháng trừ chi phí còn lại khoản 16 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Đông còn nuôi được 2 con bò thịt, 2 con bò sinh sản cho thêm thu nhập khoản 100 triệu đồng/ năm. Theo anh Đông thì việc ứng dụng công nghệ mới trong trồng nấm và sử dụng hệ thống tưới tự động làm giảm chi phí phân công, vừa bảo đảm chất lượng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Đông thường xuyên vận động mọi người cùng thực hiện mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn; đồng thời, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua do Đoàn và địa phương phát động.

Còn ở xã Tân Hưng (huyện Bàu Bàng), Câu lạc bộ Phát triển kinh tế chăn nuôi bò sữa do anh Nguyễn Hoàng Trung làm chủ nhiệm cũng là một mô hình hiệu quả. Mô hình thanh niên chăn nuôi bò sữa của xã hiện tại có 20 con bò, với vốn đầu tư ban đầu là 500 triệu đồng, cho thu nhập bình quân 20 triệu đồng/ tháng. Câu lạc bộ còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 lao động tại địa phương. Là chủ nhiệm câu lạc bộ anh Trung luôn cố gắng trau dồi, học tập và rút tỉa kinh nghiệm để có thêm nhiều kiến thức thiết thực cho việc chăn nuôi. Không những vậy, anh Trung còn là đảng viên trẻ năng nổ trong các hoạt động phong trào tình nguyện của tuổi trẻtrong xã.

KIM TUYẾN

Chia sẻ