Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) là chủ trương đúng, phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục và cũng là nhu cầu xuất phát từ thực tiễn của đất nước nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI, XII của Ðảng. Dẫu còn nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện vì có nhiều cái mới thời gian đầu là điều khó tránh khỏi.
Qua năm đầu tiên thực hiện chương trình đổi mới SGK bắt đầu từ lớp 1 cho thấy đã đi vào cuộc sống, đó là thước đo quan trọng trước thách thức lớn của đổi mới. Năm nay, tiếp tục lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, ngành GD-ĐT cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đã có những bước chuẩn bị tốt các điều kiện thay SGK lớp 2 và lớp 6. Để có những bộ sách thân thuộc với học sinh (HS), phương ngữ gần gũi, tỉnh Bình Dương đã chọn các bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, gồm: “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. Theo báo cáo của ngành giáo dục thì bộ sách “Chân trời sáng tạo” được các trường ở phía Nam lựa chọn nhiều. Bởi, bộ sách có sự tham gia viết sách của các giáo viên (GV) đang trực tiếp đứng lớp nên tính thực tế khá tốt, cấu trúc của sách đi từ dễ đến khó, tạo điều kiện cho GV dạy học theo hướng cá thể hóa, từ ngữ, hình ảnh gần gũi với HS... Nói chung, bộ sách có tính “mở” khá cao, tạo điều kiện cho GV thể hiện, gợi mở để tăng tính sáng tạo cho HS. Đây được xem là ưu điểm của bộ sách nếu GV năng động, sáng tạo, vững tay nghề, không ngại đổi mới.
Đã qua rồi thời triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi”, mọi thứ đều bị rập khuôn, thuộc lòng, mọi hoạt động đều mang tính đối phó. Thay vào đó là cần dạy cho con có bản lĩnh, trò sáng tạo, tạo cho trẻ suy nghĩ bằng cái đầu của mình về tất cả mọi thứ mà các em quan sát thấy ngoài xã hội. Dạy cho các em cách suy nghĩ, cách bình luận, phản biện và phê phán, đưa ra ý kiến của mình. Thầy cô phải gợi mở, khuyến khích cho HS cách tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, thuyết phục... Từ đó, HS mới hình thành định hướng và có mục đích học để biết, để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình và để trở thành công dân toàn cầu.
Đổi mới SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, góp phần chuyển biến nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của người học. Sự đổi mới nào bước đầu cũng sẽ có những vất vả, khó khăn, ấy thế phải đòi hỏi nhiều hơn sự nỗ lực, kiên trì và sự chia sẻ, đồng hành của toàn xã hội để đổi mới đi đến thành công.
TRUNG ĐỒNG