Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Mới đây, một Video clip ghi lại cảnh một thầy giáo tát học sinh giữa lớp và sau đó một em khác cũng bị thấy tát và em này đánh trả lại thầy được tải trên mạng làm mọi người và báo chí bàn tán xôn xao. Sau đó thầy giáo tát học sinh bị cho nghỉ việc, học trò bị cảnh cáo. Như vậy là những biện pháp kỷ luật mạnh đã được đưa ra.
Ông bà xưa hay nói: “Làm thầy đánh chẳng ăn chi/nhưng mà không đánh dạy thì không nên”. Đó là lời người xưa về quyền lực của thầy dùng roi để răn đe học trò, dạy dỗ cho con trẻ nên người. Tuy nhiên, xã hội hiện đại thì việc dùng đòn roi dạy học là phản giáo dục. Đòn roi đôi khi trở nên rất phản tác dụng, tác dụng ngược lại như vụ việc vừa rồi. Trong cảnh này thầy giáo rất trẻ 23 tuổi, chỉ hơn các em học sinh 5-6 tuổi, thầy xưng hô mày tao với học trò, chỉ thái độ lời nói cũng cho thấy thầy giáo trẻ này chưa phải là nhà sư phạm. Là người mấy mươi năm làm thầy, tôi thấy hình như thầy giáo trẻ này rất thiếu kỹ năng và tâm lý sư phạm. Mà môn tâm lý học được giáo sinh học rất nhiều và kỹ lắm. Ngày xưa đi học, người thầy được kính trọng lắm, đôi lúc thầy phạt roi cũng không dám nói lại, rồi hết giận thầy trò lại tâm tình bên nhau, quý mến nhau. Lúc tôi đi dạy cũng vậy, hầu như ít khi tôi dùng roi hay thước phạt học trò vậy mà nhiều em nên người. Nhiều thế hệ trưởng thành, các em lại đến thăm tôi nhất là dịp lễ tết.
Thú thật mà nói học trò bây giờ dân chủ quá, đôi khi các em lại nói chuyện với thầy cô cũng có những điều cần bàn lắm. Sự phân hóa giàu nghèo, đồng tiền được đề cao, việc tổ chức dạy thêm đủ kiểu cũng là sự trao đổi tiền bạc, nhiều giáo viên trẻ chưa mẫu mực cũng là những điều mà các em học sinh xem nhẹ.
Mới đây nhất, một clip nữa lại được tung lên mạng cảnh một học sinh nam cởi trần lao vào đánh một học sinh nữ tại một trường THPT ở Hà Tĩnh, những học sinh khác đứng xung quanh coi mà không có động thái gì. Khi một học sinh nữ khác can ngăn thì những nam này ngăn cản. Hành vi của các em bị nhiều người phẩn nộ. Là một nhà giáo tôi không hiểu học sinh bây giờ sao thích bạo lực, con trai đánh con gái ngang nhiên trong lớp như thế; rồi các em nói năng thô lổ với bạn bè. Với cách thức giáo dục mà chỉ chú trọng thành tích thi đua, đạt giải kia giải nọ nên bây giờ học sinh cứ chú tâm học thêm để có cái thành tích trong khi kỹ năng, hành vi đạo đức lối sống còn rất hạn chế. Nói thật, tôi đi dạy mấy chục năm nên việc dạy của tôi luôn chú trọng nhiều vấn đề nhất là giáo dục tư cách đạo đức cho các em. Mỗi giờ dạy bao giờ tôi cũng nhấn mạnh đến giáo dục đạo làm người cho các em. Chính sự chú tâm này tôi có được những thế hệ học trò ngoan, các em có trí thức và luôn ghi nhớ những điều mà ngày các em còn học với tôi.
Nhiều năm làm công tác thanh niên cho trường, cho huyện và địa phương tôi thấy rằng vai trò của tổ chức Đoàn có tác động rất lớn trong việc tập hợp giáo dục đối với thanh thiếu niên học sinh. Tuy nhiên, hoạt động Đoàn nhất là vùng nông thôn, trong cơ quan hay doanh nghiệp bây giờ còn lắm mờ nhạt và chỉ theo phong trào bề nổi mà chưa đi sâu vào việc xây dựng nuôi dưỡng giáo dục lý tưởng đạo đức thật sự cho lớp trẻ. Nếu chú trọng hơn vào công tác giáo dục cho thanh thiếu niên giữa Đoàn thanh niên và ngành Giáo dục thì hiệu quả chắc chắn là nhiều biến đổi.
Qua những sự việc này đã cho chúng ta thấy những bài học đắt giá về đạo đức người thầy trong các hoạt động giáo dục cũng như việc giáo dục lối sống cho lớp trẻ. Hãy đề cao nhân cách người thầy, thực hiện tốt việc giáo dục nhân cách, giáo dục văn hóa song song với giáo dục tri thức cho học sinh. Có như vậy giáo dục mới không còn những hình ảnh phản giáo dục như việc vừa rồi.
Nguyễn Văn Kỷ