Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thương hiệu Trung Quốc, Haval đã có đối tác phân phối xe tại Việt Nam. Công ty phân phối này là một doanh nghiệp trong nước và đang trong quá trình phát triển đại lý để chuẩn bị cho kế hoạch bán xe Haval vào hai quý cuối của 2023.
Một trong những sản phẩm của hãng xe Trung Quốc mở bán đầu tiên ở Việt Nam là chiếc Haval H6. Mẫu H6 định vị ở phân khúc CUV cỡ C, kích thước dài x rộng x cao lần lượt 4.610 x 1.860 x 1.720 mm, chiều dài cơ sở 2.690 mm. Những thông số này tương đồng Honda CR-V, Mazda CX-5, Hyundai Tucson...
Mẫu Haval H6 lăn bánh tại Trung Quốc.
Hiện chưa rõ giá bán của Haval H6, mẫu xe dự kiến nhập khẩu Thái Lan, nơi đặt nhà máy của hãng mẹ Great Wall Motor (GWM) ở khu vực Đông Nam Á. Thương hiệu Trung Quốc sẽ bán cả xe xăng lẫn hybrid.
Haval là hãng con của GWM, thành lập năm 2013. Hiện tất cả các sản phẩm của thương hiệu này như H6, H9, Jolion, F7, F7x đều là xe gầm cao. Năm 2022, doanh số của GWM khoảng 880.000 chiếc tại thị trường nước sở tại, đứng thứ 11 trong số các hãng bán xe nhiều nhất.
Haval là một trong số nhiều thương hiệu xe Trung Quốc như Chery, BYD, SAIC, Wuling... đã có mặt hoặc đang lên kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam thời gian gần đây. Sau nhiều năm phát triển nhanh tại thị trường Trung Quốc, nơi có gần 100 thương hiệu ôtô đến từ 40 tập đoàn với 58% thương hiệu có tuổi đời chưa đến 10 năm, hàng loạt hãng xe của quốc gia đông dân nhất thế giới mở đường ra nước ngoài.
Các hãng Trung Quốc xem những thị trường mới nổi, đặc biệt Đông Nam Á là nơi lý tưởng để xây dựng nhà máy và mở rộng kinh doanh. Chỉ riêng ở Việt Nam, có 3 hãng Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất xe nội địa và tiến tới xuất khẩu, gồm SAIC, Chery, BYD.
Để bù đắp mặt hạn chế về nhận diện thương hiệu ít nổi bật hơn so với các hãng xe Nhật, Hàn, Mỹ, những hãng Trung Quốc tiếp cận khách hàng bằng sản phẩm nhiều công nghệ nhưng giá bán thường thấp hơn các đối thủ. Bởi mục tiêu ban đầu của những hãng này là tìm kiếm thị phần, tăng độ phủ thương hiệu. Cách định giá của những hãng như MG, Hongqi (thuộc SAIC), Beijing (BAIC)... tại Việt Nam thời gian qua là ví dụ. Haval hay những thương hiệu khác của Trung Quốc sắp vào Việt Nam nhiều khả năng cũng đi theo chiến lược này, bên cạnh đẩy mạnh kinh doanh xe điện.
Theo TTXVN