| 12-03-2020 | 07:26:13

Thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung bảo đảm nhu cầu

Cuối tuần qua, diễn biến mới của dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa. Nhưng trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này thị trường chung đã ổn định, trong tầm kiểm soát của các đơn vị chức năng.

 Thực phẩm tại các siêu thị luôn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân

 Thị trường ổn định

Ngày 11-3, hoạt động tại các siêu thị và chợ truyền thống đã trở lại bình thường, không còn hiện tượng tăng giá, khan hàng giả tạo do người dân đi mua hàng dồn dập. Theo ghi nhận của phóng viên, từ khoảng 9 giờ sáng 11-3, hệ thống các cửa hàng tiện ích, siêu thị tại Bình Dương như Lotte, Aeon Mall, Big C, Co.op Mart… đều thu hút khá đông khách hàng đến mua sắm. Tại các quầy bày bán gạo, mì gói, giấy vệ sinh, thực phẩm tươi sống, các loại lương thực thực phẩm khác và trang thiết bị phòng dịch… đều có khá nhiều người vây quanh, chọn nhãn hiệu sản phẩm ưa chuộng. Tuy vẫn có một số khách hàng cố gắng mua nhiều hơn bình thường nhưng nhìn chung đa số tâm lý khách hàng mua sắm đã ổn định trở lại. Một khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Bình Dương, cho biết dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp là nỗi lo lắng của nhiều người chứ không riêng một cá nhân nào. Tuy nhiên, mọi người cần suy nghĩ, xem xét và hành động hợp lý, tránh việc đổ xô vơ vét mua nhu yếu phẩm. Làm như thế chỉ thêm nguy cơ gây phát tán bệnh khi tập trung đông người và tiếp tay cho các đối tượng trục lợi, vị khách này chia sẻ.

Theo ghi nhận, dù số lượng khách hàng rất nhộn nhịp nhưng nhìn chung hàng hóa tại các siêu thị vẫn rất phong phú, đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Điển hình, tại siêu thị Big C Bình Dương, gian hàng bày bán mì gói đầy ắp. Hàng chục loại mì với hàng trăm thùng được xếp cao với đủ các hương vị, giá cả được niêm yết rõ ràng để khách hàng tự do lựa chọn. Tương tự, các quầy bày bán gạo, nước tương, mắm, giấy vệ sinh, khẩu trang vải, nước sát khuẩn… ăm ắp hàng hóa. Khách hàng thoải mái lựa chọn, không còn cảnh tranh thủ, hối hả mua hàng. Ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống, siêu thị Big C Bình Dương, cho biết sức mua hiện tại có giảm nhẹ hơn đôi chút so với cuối tuần qua tuy vậy để đáp ứng nhu cầu khách hàng, thực phẩm, hàng tiêu dùng tại siêu thị luôn được cập nhật, bổ sung theo mãi lực mua hàng. Vì vậy, dù mấy ngày qua lượng khách hàng mua sắm tuy có tăng lên nhưng siêu thị đáp ứng đầy đủ như đã cam kết với ngành quản lý.

Tại một số chợ truyền thống, đối với mặt hàng được người dân có nhu cầu mua tăng cao trong mấy ngày vừa qua như mì gói, gạo… qua khảo sát và trao đổi với một số chủ vựa, đại lý được biết do nhu cầu đột ngột tăng nên có thời điểm bổ sung hàng chậm, nhưng sau đó tình hình nhanh chóng ổn định trở lại. Lượng hàng nhập và dự trữ đã về kho, đáp ứng nhu cầu tăng cao đột ngột của người dân trong những ngày trở lại đây. Chủ đại lý gạo Thúy Lam trên đường Đinh Bộ Lĩnh, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cho biết hiện nay lượng gạo dự trữ tại kho còn nhiều và đã đặt hàng với các vựa miền tây nên không lo thiếu gạo. Tuy nhiên, do sức cầu thị trường tăng mạnh đã đẩy giá tại các nhà cung cấp tăng khoảng 500 - 800 đồng/kg, tùy loại.

Nguồn cung dồi dào

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết thực tế vài ngày qua tại hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh có mãi lực mua hàng tăng. Sự biến động xuất phát từ thông tin dịch bệnh khởi phát tại Hà Nội khiến một bộ phận người dân hoang mang, mua hàng số lượng nhiều hơn bình thường để phòng trữ. Cụ thể là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô… rồi lan dần đến một số địa phương trong đó có Bình Dương. Trước thực tế này, Sở Công thương đã chủ động làm việc với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như Big.C, Co.op Mart, Vinmart, Lotte Mart, Aeon Mall… Qua đó, cơ quan chức năng khẳng định lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 3 tháng trở lên cho thị trường trong tỉnh.

Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong những tháng tới đây. “Phản ứng của người dân tích trữ hàng hóa, thực phẩm là tâm lý rất bình thường. Tuy nhiên điều này không cần thiết bởi các siêu thị luôn đủ hàng phục vụ. Do đó, Sở Công thương thông tin người dân không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay. Điều này gây tâm lý hoang mang, xáo động thị trường đáng có. Bên cạnh đó, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp có vai trò chi phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm có kế hoạch tăng nhập nguồn hàng dự trữ để cung cấp cho người dân trong trường hợp dịch có thể diễn biến phức tạp hơn. Song song đó, hiện nay, các siêu thị đều có hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế nơi tập trung đông người và người mua cần chọn lựa những đơn vị uy tín để mua hàng, tránh tình trạng mua phải giá cao mà hàng chất lượng không bảo đảm”, ông Bình cho biết.

Về góc độ sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường năm 2020 cũng đã cam kết ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh và bảo đảm không tăng giá đối với một số mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá như gạo, đường, nước tương, thực phẩm tươi sống…Cụ thể, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, thuốc trị bệnh cho người… có nguồn cung ổn định, dồi dào và có khả năng đáp ứng nhu cầu người dân. Vì vậy, người dân cần yên tâm, tránh lập lại tình trạng hoang mang, ồ ạt mua sắm như đã xảy ra. Riêng mặt hàng khẩu trang, hiện Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nỗ lực cung ứng, nhất là loại khẩu trang vải kháng khuẩn cũng như nước sát khuẩn để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện các siêu thị đã nhập hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và bày bán phục vụ nhu cầu phòng chống dịch bệnh của người dân.

 THANH HỒNG

Chia sẻ