| 09-11-2013 | 00:00:00

“Thông điệp” từ biến đổi khí hậu

“Tổ hợp” triều cường, áp thấp nhiệt đới, các hồ chứa nước đồng loạt xả lũ… đến cùng lúc, đã làm nhiều tỉnh, thành trong cả nước bị ngập lụt! Trong khi chính quyền địa phương và người dân các nơi đang nỗ lực chống chọi, khắc phục hậu quả của trận ngập lụt này chưa xong, thì thông tin về siêu bão Hải Yến (bão số 13) đã vào tới biển Đông và có khả năng đổ bộ vào Việt Nam vào rạng sáng ngày 11-11 tới, khiến chính quyền và người dân các nơi càng thêm lo lắng! Nguyên nhân trực tiếp gây ra ngập lụt là điều dễ nhận thấy, nhưng sâu xa của vấn đề vẫn là sự biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng khó lường.

Còn nhớ mới đây, khi các hồ thủy điện cạn khô không còn nước để chạy máy phát điện khiến lũ trẻ không chịu được cái nóng thiêu đốt của mùa hè phải nghêu ngao đổi lời bài đồng dao “lạy trời mưa xuống, lấy điện con xài”, thì bây giờ khắp nơi đều mênh mông nước và nước. Có theo dõi bản tin thời tiết trong những ngày này mới thấy, ngập lụt đang diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngập lụt hiện không chỉ xảy ra ở những vùng trũng thấp như trước mà diễn ra trên diện rộng, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi. Ngay cả những khu vực trước đây ít khi xảy ra ngập lụt như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận… thì nay cũng chung số phận. Điều đó cho thấy những dự báo về BĐKH đã và đang tác động trực tiếp đến nhiều vùng, miền và gây ra những hậu quả khó lường!

Riêng tại Bình Dương, chỉ từ giữa tháng 10 đến nay đã xảy ra 2 đợt ngập lụt nặng tại nhiều địa phương nằm ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một và huyện Bến Cát… với hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, hàng trăm héc ta hoa màu bị hư hại, sản xuất đình đốn. Thiệt hại do ngập lụt gây ra là rất lớn, chỉ tính riêng đợt ngập lụt hồi tháng 10 vừa qua, tại huyện Bến Cát đã có 384 hộ gia đình bị thiệt hại với giá trị tài sản ước tính lên đến 9 tỷ đồng. Còn nếu tính chung trong cả tỉnh, thì thiệt hại về tài sản và đình đốn sản xuất do ngập lụt gây ra có thể lên đến hàng chục tỷ đồng!

Cơn bão trước chưa tan, cơn bão sau đã dồn đến! Lũ chồng lũ, lụt chồng lụt, bão chồng bão khiến người dân, nhất là các vùng trũng thấp phải lao đao. Đây cũng là “thông điệp” rõ ràng về BĐKH, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia phải đương đầu với những biểu hiện ngày càng gia tăng của những hiện tượng thời tiết nói trên. BĐKH ảnh hưởng đến Việt Nam theo những xu hướng khác nhau, nhưng ảnh hưởng rõ nhất và đáng sợ nhất vẫn là gia tăng tần suất các cơn bão, nhất là vào những tháng cuối năm và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ, gây ngập lụt trên diện rộng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường này buộc chúng ta phải suy nghĩ và nhanh chóng có những hành động thiết thực nhằm khắc phục. Có như vậy mới có thể giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai gây ra.

LÊ QUANG

Chia sẻ