Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế từ các khu vực đến nước ta đã vượt cùng kỳ năm 2019.
Đám cưới của cặp đôi Ấn Độ Kulvin Kaur và Dilip Bhagwan tại Đà Nẵng.
Với khu vực Nam Á, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 312% so với trước COVID-19. Khách Ấn Độ được đánh giá sẽ trở thành thị trường du lịch lớn trên thế giới bởi đây là nước đông dân thứ 2 thế giới. Với Việt Nam, đây là thị trường còn nhiều dư địa phát triển.
Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách Ấn Độ đến Việt Nam khá cao, từ 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,7%, từ 65.600 lượt năm 2015 đến 169.000 lượt năm 2019. Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 130.000 khách từ thị trường này. Còn năm 2023 là hơn 392.000 lượt, tăng 231% so với năm 2019. Giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có đường bay thẳng, rút ngắn thời gian di chuyển cho khách.
Nhiều khách Ấn Độ ngày càng thích du lịch Việt Nam vì môi trường du lịch an toàn, phong cảnh đẹp, nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, con người thân thiện, món ăn hấp dẫn… Ngoài du lịch, nhiều người Ấn Độ không ngại chi tiền bao trọn khách sạn 5 sao ở thành phố biển của Việt Nam như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc để tổ chức đám cưới...
Tiến sỹ Đinh Đức Quang, Công ty du lịch Nikatour Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận), Ấn Độ là thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng cũng khó tính và có đặc thù riêng, nhất là về ẩm thực, tôn giáo. Các đầu bếp chuyên món Ấn ở nước ta còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm phục vụ. Ấn Độ là nơi khai sinh đạo Phật, nên họ thường ăn chay, không sát sinh. Việc ăn các loại củ vào ngày chay cũng cấm kỵ mà chỉ ăn các loại ngũ cốc và không ăn thịt, cá. Hiện tại, thị trường này có nhiều yêu cầu đối với nhóm MICE gồm tiệc cưới, quay phim, chơi golf… Trong đó, du lịch cưới là một phân khúc rất hấp dẫn. Các cơ sở lữ hành cần chú ý xây dựng sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách Ấn Độ như: Khách đi tour trọn gói theo nhóm; gia đình giàu có, thành thị; khách đi một mình; khách nữ và khách du lịch cao cấp, đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt nhất...
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), tổng chi tiêu của khách Ấn Độ ra nước ngoài khá cao. Năm 2018 đạt 21,3 tỷ USD và năm 2019 tăng 9,8% so với 2018. Dự báo, mức chi tiêu này có thể đạt 45 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 91 tỷ USD vào năm 2030.
Đối với người có khả năng chi trả trung bình, khi đi du lịch, khách Ấn Độ thường chi khoảng 150 - 200 USD/ngày/người (gồm vé máy bay nội địa nước đến, khách sạn 4 sao, các điểm tham quan, hướng dẫn viên và phương tiện di chuyển). Người có thu nhập cao hơn thường chi từ 200 - 250 USD/ngày/người để có thể tận hưởng dịch vụ tiện nghi hơn.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khách Ấn Độ thích khám phá những điểm đến mới. Họ yêu thích mua sắm, tham gia các hoạt động ngoài trời, tham quan bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử. Bên cạnh sở thích ở resort đẹp, khách Ấn Độ cũng thích tiêu dùng, ăn uống, dự tiệc. Người Ấn Độ coi trọng gia đình nên họ thường đi du lịch với gia đình hoặc nhóm bạn bè. Họ thường sử dụng dịch vụ ở mức trung bình khá, thường tính toán, suy xét kỹ lưỡng các lựa chọn về đi lại, ăn uống.
Có thể thấy, Ấn Độ là nguồn khách có nhiều tiềm năng, một thị trường mà du lịch Việt Nam cần phải đầu tư thu hút trong thời gian tới thông qua xúc tiến, quảng bá.
Theo TTXVN