Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Ba tôi là nguyên đơn trong vụ kiện dân sự và tòa án đã thụ lý đơn kiện của ba tôi; nhưng theo lời của thư ký tòa án thì trước khi tiến hành xét xử phải qua thủ tục hòa giải. Vậy việc hòa giải có những ai tham dự và sẽ tiến hành như thế nào?
LÊ MỸ NGỌC(Bắc Tân Uyên)
Trả lời: Theo khoản 28 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), đã sửa đổi Điều 184 BLTTDS về thành phần phiên hòa giải và bổ sung Điều 185a về trình tự hòa giải, đã quy định:
Thành phần phiên hòa giải gồm có: Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải; thư ký tòa án ghi biên bản hòa giải; các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự.
Trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Thẩm phán thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên hòa giải cho đương sự biết.
Trường hợp cần thiết, thẩm phán có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên hòa giải và trong trường hợp đương sự không biết tiếng Việt sẽ có người phiên dịch tham gia phiên hòa giải.
Trước khi tiến hành hòa giải, thư ký tòa án báo cáo thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên hòa giải đã được tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia phiên hòa giải. Thẩm phán chủ trì phiên hòa theo nội dung hòa giải quy định tại Điều 185 bộ luật này (khi tiến hành thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án).
Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình về những nội dung tranh chấp và đề xuất những vấn đề cần hòa giải.
Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất. Thẩm phán kết luận những vấn đề các bên đương sự đã hòa giải thành và vấn đề chưa thống nhất.
Luật gia XUÂN LẠC